Bảo vệ và phát triển rừng đã trở thành một nghề với phần lớn các hộ dân nông thôn. Nhờ rừng, kinh tế rừng mà cơ cấu kinh tế của tỉnh có bước chuyển đổi đáng kể; diện tích rừng tăng lên hàng năm, năng suất rừng trồng được cải thiện, tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2017 đạt trên 1.442 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2016, chiếm 21,9% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Cùng đó, hàng năm, người dân còn có thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ tiền khoán và bảo vệ rừng, phí dịch vụ môi trường rừng. Hiệu quả kinh tế lâm nghiệp mang lại là rất lớn, góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.
Song, nguồn tài nguyên phong phú, số lượng cơ sở, doanh nghiệp chế biến nhiều, nhưng kinh tế lâm nghiệp và ngành công nghiệp chế biến vẫn còn nhiều hạn chế do chu kỳ kinh doanh dài (thường 6 - 9 năm mới cho khai thác), năng suất, sản lượng thấp, chi phí khai thác, vận xuất, vận chuyển cao, nhiều người dân bám đất, bám rừng nhưng lại chưa sống được từ rừng.
Trong khai thác, chế biến, kinh doanh còn tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có chiến lược, thiếu quy hoạch nên giá trị sản phẩm chưa cao. Thời gian gần đây, để trang trải cuộc sống, có khá nhiều hộ khai thác bán non gỗ rừng trồng; tranh mua, tranh bán nguyên liệu gay gắt...
Nhiều diện tích rừng đã đến chu kỳ khai thác nhưng lại nằm ở vùng sâu, vùng cao không có đường vận chuyển, dẫn đến giá thành khai thác vận chuyển cao nên khó bán.
Trong chế biến, chưa có thương hiệu, chưa đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng để chiếm lĩnh thị trường trong nước mà chủ yếu tiêu thụ thô trong nội tỉnh. Chỉ có một số ít sản phẩm được xuất khẩu ở dạng bán thành phẩm, đã gây lãng phí tài nguyên rừng, giảm giá trị gỗ nguyên liệu, lợi nhuận thấp, tính bền vững của rừng trồng giảm.
Cơ cấu ngành nghề trong chế biến chưa có sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chế biến liên tục gỗ rừng trồng. Mối liên kết giữa các cơ sở chế biến, doanh nghiệp gần như không có, sản phẩm của doanh nghiệp này chưa là nguyên liệu của doanh nghiệp khác.
Hiện, toàn tỉnh có trên 100 đơn vị sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng với tổng công suất gần 200.000 m3/năm (ván ghép thanh, ván ép, gỗ bao bì). Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở chế biến gỗ bóc sản lượng khoảng 200.000 m3.
Quy mô của các doanh nghiệp nhìn chung đều nhỏ, công nghệ chế biến đơn giản, thô sơ, giá trị đầu tư thấp. Phần lớn gỗ rừng trồng đều sử dụng cho sản xuất gỗ bóc, ván sàn, dăm gỗ... sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu, bán thành phẩm, hiệu suất sử dụng gỗ tự nhiên, gỗ rừng trồng chiếm hơn 70% so với sản lượng khai thác hàng năm.
Để sản xuất lâm nghiệp, nhất là ngành chế biến gỗ thực sự bứt phá và phát huy vai trò là bệ đỡ của trồng rừng, góp phần tăng giá trị, hiệu quả trồng rừng... ngành nông nghiệp, các địa phương cần tập trung vào quản lý giống, trồng rừng theo chuỗi liên kết từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn và coi đây là giải pháp tối ưu.
Ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch cơ sở chế biến gỗ nói chung và chế biến gỗ rừng trồng nói riêng theo quy hoạch. Hạn chế phát triển thêm cơ sở chế biến nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, sản phẩm thô, sơ chế nằm ngoài quy hoạch chung của tỉnh.
Cùng đó, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến gỗ, nhất là doanh nghiệp chế biến thành phẩm. Hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực giúp cho doanh nghiệp, hộ cá thể mạnh dạn đầu tư thiết bị nâng cao năng lực sản xuất chế biến sâu. Tạo dựng thương hiệu gỗ, sản phẩm từ gỗ đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ giữa nhà máy chế biến và nhà cung cấp nguyên liệu. Đẩy mạnh chế biến sau dăm bằng phát triển chế biến viên nén, gỗ ghép, MDF...
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả về chuỗi liên kết trong sản xuất, trước tiên là cơ chế doanh nghiệp chế biến với chủ hộ rừng theo mô hình liên kết bền vững. Thứ nữa là, tạo liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung từ cung nguyên liệu đến xuất khẩu được coi là một trong những giải pháp tạo dư địa phát triển cho ngành chế biến gỗ.
Thanh Phúc