Tầm nhìn xa hơn, mở rộng các giá trị cốt lõi
Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra tầm nhìn xa nhất so với tất cả các chiến lược hiện có, kể cả so với Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2016. Tầm nhìn xa là bằng chứng cho thấy mức độ ưu tiên cao và tầm quan trọng tăng lên của vị trí, vai trò cũng như tính chất dài hạn của chiến lược biển giai đoạn mới so với các chiến lược khác trong phát triển kinh tế Việt Nam. Nó còn cho thấy tư duy vượt trội về kinh tế biển trong giai đoạn phát triển mới.
Chiến lược mới về phát triển kinh tế biển, mở rộng các giá trị với tầm nhìn xa hơn và mục tiêu cao hơn
Bên cạnh tầm nhìn xa hơn đáng kể, giá trị cốt lõi đưa đất nước trở thành quốc gia "mạnh về biển” và "giàu từ biển” trong chiến lược biển 2020 được bổ sung thêm các giá trị cốt lõi khác như "dựa vào biển” và "hướng ra biển” trong Chiến lược kinh tế biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống giá trị cốt lõi của chiến lược có tính đầy đủ, vững vàng và tính định hướng cao hơn.
Đặt trọng tâm vào kinh tế biển để bứt phá
Để thực hiện mục tiêu chiến lược mới, tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước, phương thức triển khai có tính ưu tiên là tái cơ cấu về trình độ phát triển và tốc độ tăng trưởng, trong đó kinh tế biển thành đầu tàu mới dẫn dắt sự vận hành nền kinh tế, tạo sự bứt phá phát triển mới mang tính chiến lược.
Mục tiêu đặt ra là đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước với quy mô GDP của kinh tế biển khoảng 1000 tỷ USD. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình cả nước. Nếu đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người cả nước đạt 15.000 USD (theo Báo cáo Việt Nam 2035) thì con số này của các tỉnh, thành phố ven biển và hải đảo đạt được sớm hơn (khoảng vào năm 2030). Đời sống người dân vùng ven biển, hải đảo được thay đổi cơ bản.
Với quan điểm biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tính bền vững bao trùm phải trở thành điểm nhấn của chiến lược phát triển kinh tế biển giai đoạn mới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế biển phải chịu sự ràng buộc của tính bền vững mang tính bao trùm, gồm bền vững kinh tế-xã hội-môi trường cũng như bền vững thể chế, sự ổn định chính trị, an ninh-quốc phòng được bảo đảm và chủ quyền quốc gia trên biển bất khả xâm phạm theo luật pháp quốc tế. Các giá trị cốt lõi của chiến lược phải gắn với tính bền vững bao trùm này.
Việc khai thác tài nguyên biển phải được thực hiện theo mô hình bền vững. Các tiêu chí về kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát chất thải, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu biển đảo, chống xói mòn bờ biển phải được tuân thủ chặt chẽ. Thực tế cho thấy, tăng trưởng cao thường trả giá là sự hủy hoại môi trường. Vì thế, cần tuyệt đối tránh đánh đổi tăng trưởng cao kinh tế biển với hy sinh môi trường biển, đảo.
Cần giải pháp thông minh để đạt kỳ vọng
Tầm nhìn xa và mục tiêu cao của Chiến lược với điểm nhấn chiến lược phản ánh kỳ vọng hợp lý. Chiến lược mới đang kích hoạt động lực phát triển mới hay tạo "cú huých” nặng ký làm "bừng tỉnh” sự phát triển kinh tế biển bền vững. Việc tự tin hoạch định chiến lược theo viễn cảnh kỷ nguyên đại dương, cách mạng công nghiệp 4.0 và những kinh nghiệm vô cùng quy báu được tích lũy từ phát triển kinh tế biển bền vững trong nước và quốc tế tạo chỗ dựa để bình tĩnh, tự tin hơn trong đề xuất giải pháp thông minh.
Các giải pháp đề xuất có thể vận dụng tư tưởng Hồ Chí Mình về phương pháp luận lập kế hoạch chiến lược là nếu mục tiêu đặt ra 1 thì giải pháp phải cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí hơn để kỳ vọng đạt mục tiêu đặt ra. Công thức này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn lực và điều kiện phát triển kinh tế biển bền vững.
Trước hết, dựa vào chiến lược biển phiên bản mới, các cấp quản lý gồm quốc gia, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cần đầu tư hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế biển bền vững có cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng phát triển chung cùng với hoàn thiện chính sách, luật pháp, quy định và tổ chức bộ máy thực hiện.
Cần đẩy mạnh huy động nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế về vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản trị tiên tiến, thu hút nhân tài vào phát triển các lĩnh vực có thế mạnh chiến lược của kinh tế biển, thúc đẩy gia tốc đô thị hóa ven biển, hải đảo.
Mạnh dạn phát triển mô hình tổ chức khu kinh tế, đặc khu, đô thị, thành phố biển thông minh, nhà máy sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại-dịch vụ, du lịch, trung tâm dịch vụ biển, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao về biển, hạ tầng kỹ thuật biển và dịch vụ logistics chuyên nghiệp, phương tiện vận tải, thiết bị phục vụ phát triển kinh tế biển hiện đại và có sự phát triển vượt trội về năng lực đảm nhận các giao dịch kinh tế và kinh doanh quy mô lớn.
Nhanh chóng nắm bắt và vận dụng triệt để cơ hội thị trường để phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của kinh tế biển. Chẳng hạn, trong điều kiện giá thép thế giới có xu hướng giảm, cần mạnh dạn khai thác nguồn lực bên ngoài và huy động nguồn lực trong nước để đầu tư đóng tàu vỏ thép công suất lớn, hiện đại cúng với việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Kiên trì tái cơ cấu tập đoàn hiện tại và phát triển mới các tập đoàn kinh tế biển Việt Nam làm nòng cốt thực hiện chiến lược kinh tế biển bền vững.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030:
- Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước.
- Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước.
- Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới.
- Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. |
(Theo VOV)