Nhận rõ những khó khăn trong thu ngân sách, ngay từ đầu năm, Chi cục Hải quan Yên Bái đã chủ động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật mới liên quan đến hoạt động hải quan tới cán bộ, công chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp (DN); tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch cải cách và hiện đại hóa hải quan; vận hành có hiệu quả hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); vận hành chính thức hệ thống phần mềm công trực tuyến, triển khai thu thuế điện tử và thông quan 24/7…
Nhờ đó, đến 15/10/2018, số thu ngân sách mà Chi cục thực hiện đạt 174,4 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ và đã có 136 DN làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại đơn vị; trong đó, có 41 DN mới; tổng số tờ khai mà đơn vị thực hiện đạt 7.324 bộ, tăng 30% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Yên Bái chia sẻ: có được kết quả trên, trước hết, phải kể đến tập thể cán bộ, công chức, viên chức Chi cục đã nỗ lực cung cấp thông tin, tháo gỡ, vướng mắc phát sinh cho cộng đồng DN; bố trí công chức trực giải quyết thủ tục cho DN ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ nhằm thông quan nhanh hàng hóa cho DN; chủ động hỗ trợ DN trong khai báo, làm thủ tục hải quan; hướng dẫn DN chấp hành các quy định, chế độ quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu; kiểm tra chặt chẽ các chỉ tiêu về tên hàng, trị giá, phân loại, xuất xứ, số lượng, trọng lượng do DN khai báo; tăng cường thu thập thông tin, xác định mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ rủi ro để áp dụng các biện pháp kiểm tra; đẩy mạnh xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác với DN hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo sự gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ.
Với đặc thù chủ yếu là làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, đây là mặt hàng trọng điểm của Yên Bái chịu sự điều hành của cơ quan chuyên ngành, trước khi làm thủ tục xuất khẩu, Chi cục đã phối hợp với DN lấy mẫu để kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng (Vilas) và giám sát theo dõi, chặt chẽ nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu.
Ngoài ra, đa số các mặt hàng khoáng sản xuất khẩu đều thuộc diện nghi ngờ và nằm trong danh mục hàng hóa rủi ro về giá, theo quy định tại Nghị định 59/2018/NĐ - CP và Thông từ 39/2018/TT - BTC phải thực hiện tham vấn, kiểm tra, xác định giá trị ngay trong khâu thông quan.
Qua thu thập thông tin, tra cứu giá thông quan tại các chi cục hải quan khác trên Hệ thống GTT02 và qua kết quả tham vấn giá, kiểm tra sau thông quan tại Chi cục đều không đủ cơ sở để bác bỏ giá khai báo. Như vậy, việc cập nhật nghi ngờ, tham vấn phải thực hiện với rất nhiều tờ khai, làm chậm thời gian thông quan hàng hóa.
Để phấn đấu số thu ngân sách năm 2018 đạt 240 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm, Chi cục Hải quan Yên Bái tiếp tục làm việc với DN tháo gỡ khó khăn về xác định trị giá; tuyên truyền thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; bố trí công chức làm ngày nghỉ, ngày lễ đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của D.
Cùng đó, kiểm tra chặt chẽ đối tượng, điều kiện miễn thuế, hoàn thuế, không thuế; kiểm tra báo cáo quyết toán theo danh sách Tổng cục Hải quan đã phê duyệt để phát hiện, truy thu những trường hợp thực hiện không đúng quy định về chính sách thuế đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.
Đồng thời thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm, hồ sơ luồng xanh, hồ sơ nghi ngờ về giá trị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với thực hiện quy chế công vụ của công chức hải quan Việt Nam nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, tránh các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực xảy ra.
Với những giải pháp đề ra, Chi cục Hải quan Yên Bái sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quang Thiều