Những đồi quế trên 10 năm tuổi rộng hàng chục héc-ta của gia đình ông Bàn Thừa Châu ở thôn Khe Mạng trong quá trình trồng, chăm sóc đã được áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt: không phun thuốc trừ cỏ mà tiến hành phát cỏ, không bón phân hóa học khi cây quế từ 7 năm tuổi trở lên, đặc biệt là không tỉa cành lá để đảm bảo lượng tinh dầu trong vỏ quế không bị giảm sút. Toàn bộ quế vỏ bóc từ những nương đồi nhà ông Châu được đại lý của Công ty cổ phần Visimex thu mua với giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg và luôn luôn ổn định.
Ông Bàn Thừa Châu tâm sự: "Chúng tôi trồng quế rất nhiều đời nay nhưng vỏ quế chỉ biết bán cho thương lái, giá cả bấp bênh, nhiều khi còn bị ép giá, có những vụ còn không bán được. Từ khi tham gia sản xuất quế sạch và khai thác sản phẩm quế an toàn nên quế bóc ra bán được hết, giá cả lại cao hơn, ổn định hơn”.
Gia đình anh Lò Văn Đường ở thôn Làng Than bắt đầu từ năm 2018 đã đăng ký tham gia sản xuất quế hữu cơ (quế sạch an toàn). Ngoài việc tuân thủ quy trình chăm sóc sạch, việc khai thác cũng được gia đình anh thực hiện nghiêm túc, đó là bảo đảm kích thước theo tiêu chuẩn và quan trọng hơn là trong quá trình phơi khô, bảo quản phải bảo đảm sạch sẽ mới đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu.
Anh Đường cho biết: "Cây quế không chỉ của gia đình tôi mà của hầu hết người dân trong xã vốn đã sạch bởi một năm chúng tôi chỉ đi phát cỏ hai lần vào tháng Ba và tháng Tám chứ không phun thuốc cỏ hay thuốc trừ sâu. Việc sản xuất quế sạch an toàn giống hoàn toàn với cách chăm sóc truyền thống của chúng tôi, chỉ là trong quá trình khai thác phải phơi trên dàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu. Làm quế sạch thì vỏ bán cũng ổn định mà giá cả cũng cao hơn, 1 tấn quế sạch cũng hơn sản xuất quế thường 1 triệu đồng”.
Xã Phong Dụ Thượng hiện có hơn 1.100 hộ dân trồng quế với diện tích trên 2.850 ha, chiếm 94% số hộ tham gia trồng quế. Cùng với 8 xã vùng trọng điểm quế của huyện Văn Yên, cây quế xã Phong Dụ Thượng đã khẳng định được vị thế với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế và là cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu nhập vững chắc.
Người dân xã Phong Dụ Thượng đã hướng đến sản xuất sản phẩm quế sạch an toàn nhằm nâng cao giá trị của cây quế, ổn định đầu ra, giá thu mua quế vỏ. Từ năm 2018, địa phương đã phối hợp với một số doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chuyển từ trồng quế tự nhiên sang trồng quế tuân thủ quy trình sản xuất sạch, quế hữu cơ.
Ông Ngô Văn Long - Phó Chủ tịch xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Đến nay, toàn xã có 300 hộ dân trồng quế đăng ký tham gia sản xuất quế sạch an toàn với diện tích trên 1.000 ha, toàn bộ sản phẩm quế hữu cơ được Công ty Cổ phần Visimex thu mua để xuất khẩu sang châu Âu với thị trường tiêu thụ ổn định và giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường mỗi tấn khoảng trên 1 triệu đồng. Giá trị của cây quế ở Phong Dụ Thượng được nâng lên đã giúp cho nhiều hộ dân ở đây vì thế mà bớt nghèo, bớt khổ, nhiều nhà có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí đến hàng tỷ đồng từ quế”.
Hướng đến sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường là hướng đi mới đang được nhiều người dân xã Phong Dụ Thượng thực hiện để sản xuất ra những sản phẩm sạch từ cây quế tự nhiên. Đây cũng là cách, là cơ hội, là động lực giúp người dân xã Phong Dụ Thượng không chỉ nâng cao vị thế cây quế địa phương mà còn cùng với người dân toàn huyện tạo dựng và nâng tầm cho thương hiệu quế Văn Yên có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thu Nhài - Mỹ Vân