Yên Bái: Nâng cao chất lượng chế biến gỗ rừng trồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2019 | 11:28:17 AM

YênBái - Hiện, toàn tỉnh có trên 461.523 ha đất có rừng, trong đó, rừng tự nhiên là 245.551 ha, rừng trồng là 215.980 ha.

Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.
Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.

Phát huy thế mạnh đất lâm nghiệp, những năm qua, tỉnh rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng; nhờ đó, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng, đưa độ che phủ rừng đạt 63%. 

Nghề rừng phát triển, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng cũng nở rộ. Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình chuyên sản xuất chế biến nông lâm sản xuất khẩu. Khi mới thành lập, Công ty này chuyên sản xuất ván bóc. 

Nhận thấy, do phải cạnh tranh với nhiều xưởng ván bóc trên địa bàn và nguồn nguyên liệu ngày càng eo hẹp, doanh nghiệp quyết định đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền ván ép và đầu tư dàn máy sấy sử dụng hơi nước, sấy khô thành phẩm. 

Từ chỗ chỉ có sản phẩm chủ lực là ván bóc, đến nay, Công ty sản xuất thêm gỗ xẻ thanh nan phục vụ công nghệ chế biến ván ghép thanh và sản phẩm ván ép. Trung bình hàng năm, Công ty cung cấp cho thị trường trên 10.000 m3 sản phẩm gỗ thành phẩm, trong đó phần lớn là xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc, số còn lại bán cho các Công ty trong nước: Thanh Hằng, Long Đạt, Việt Trung… để các công ty này xuất khẩu. Doanh thu trung bình hàng năm của Công ty đạt trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. 

Theo thống kê của chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có trên 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. Trung bình mỗi năm các cơ sở đưa vào chế biến khoảng nửa triệu khối gỗ rừng trồng chủ yếu là keo, quế và bồ đề. 

Các cơ sở sản xuất chủ yếu các sản phẩm như: Ván sàn, ván ghép thanh, ván dăm, đũa gỗ xuất khẩu sang thị trường các nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... Các sản phẩm như ván bóc, ván xẻ nan, ván ô kan, cửa công nghiệp và các loại đồ mộc nội thất văn phòng bán chủ yếu ở thị trường trong nước. Tổng doanh thu hàng năm từ chế biến gỗ đạt hàng trăm tỷ đồng tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến gỗ còn nhiều hạn chế. Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn là các cơ sở chế biến nhỏ, quy mô hộ gia đình trang bị một vài máy cưa cắt vốn đầu tư dưới 30 triệu đồng, sử dụng 2-3 lao động, sản phẩm sản xuất ra là gỗ xẻ quy cách thô, giá trị thấp. Bên cạnh đó, nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến gỗ còn nhiều hạn chế, chủ yếu là gỗ nhỏ phục vụ sản xuất ván dăm và ván bóc; việc liên kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ còn xảy ra tình trạng thừa thiếu vùng nguyên liệu. 

Huyện Trấn Yên hiện có 138 cơ sở chế biến gỗ và nguyên liệu giấy, trong đó 6 cơ sở với hình thức doanh nghiệp, 1 hợp tác xã còn lại các hộ cá thể. Hàng năm các doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 100.000 - 120.0000 m3 gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ dân.  

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Năm 2019, giá thị trường giảm các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở dừng hoạt động thậm chí giải thể. Bên cạnh nguyên nhân giá sản phẩm gỗ đã qua chế biến giảm, cũng phải nói nhìn chung các cơ sở trên địa bàn đều có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thô sơ, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến chưa sâu nên sản phẩm không có sức cạnh tranh trên thị trường. 

Trước những hạn chế trên, để công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển thời gian tới Yên Bái làm tốt công tác quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại như ván sợi MDF, ván ghép thanh, ván dán. 

Đồng thời có các giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu đặc biệt là chất lượng giống có chính sách khuyến khích người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn đặc biệt là đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Văn Thông

Tags Yên Bái nâng cao chất lượng chế biến gỗ rừng trồng

Các tin khác
Đồng chí Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.

Năm 2019, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra. Đến ngày 26/12, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 3.014 tỷ đồng, bằng 93% dự toán tỉnh giao. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái về vấn đề này.

Đã gần 11 giờ trưa mà quầy thịt của chị Đặng Thị Quý - tiểu thương tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái gần như vẫn còn nguyên.

Trong vòng 2 tháng qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh liên tục biến động mạnh. Trong ngày 23/12, giá lợn hơi ở mức 92.000 - 93.000 đồng/kg. Mức giá tăng cao kỷ lục từ trước tới nay và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm, nên lượng thịt bán ra tại các chợ rất chậm.

Ngày 30/12, Sở Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đây là đề xuất của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Lạng Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục