Ngành nghề chế biến gỗ: Nhìn từ Công ty Doanh Mùi

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2020 | 8:12:38 AM

YênBái - Đó là câu chuyện của một doanh nghiệp "không tiến lên cũng chẳng còn đường lui” bắt buộc phải thay đổi để phù hợp và cách mà doanh nghiệp đã làm để vượt qua khó khăn.

Người lao động trong Công ty TNHH Doanh Mùi ở xã Hưng Thịnh, Trấn Yên được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tuỳ vào vị trí công việc. (ảnh tư liệu)
Người lao động trong Công ty TNHH Doanh Mùi ở xã Hưng Thịnh, Trấn Yên được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tuỳ vào vị trí công việc. (ảnh tư liệu)

Công ty TNHH Doanh Mùi tại thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên làm nghề sản xuất gỗ dán được đầu tư hàng chục tỷ đồng và công suất khoảng trên 100 m3 sản phẩm chất lượng trung bình hoặc 70 m3 sản phẩm chất lượng cao/ngày.

Hơn 10 năm qua, Công ty TNHH Doanh Mùi (viết tắt là Công ty Doanh Mùi) sản xuất, kinh doanh khá ổn định, thu hút trên 100 lao động, mỗi năm nộp ngân sách 2 đến 3 tỷ đồng. Tích lũy được nguồn vốn, Công ty không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đã lựa chọn được đúng hướng đi, những tưởng doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Tuy sản phẩm gỗ dán của Công ty Doanh Mùi không bán sang thị trường Trung Quốc như sản phẩm gỗ bóc thông thường, nhưng khi các nhà sản xuất Trung Quốc mất thị trường Mỹ, họ quay sang thị trường châu Á; trong đó, có cả Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm của họ. 

Tình thế này đẩy Công ty Doanh Mùi và rất nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ khác của Việt Nam phải tham gia vào một trận chiến với người khổng lồ mang tên Trung Quốc có tiềm lực tài chính mạnh mẽ hơn, công nghệ hiện đại hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng rất nhiều các chính sách khuyến khích, hỗ trợ như tín dụng, thuế… 

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ trong nước đã gặp khó khăn từ năm 2018 kéo dài sang năm 2019 với tình trạng sản xuất thiếu ổn định, đơn hàng nhỏ lẻ, tiêu chuẩn, mẫu mã khác nhau… nên khó đẩy mạnh sản xuất; đặc biệt, trong khó khăn chung đã có hiện tượng một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau... 

Long đong, lận đận đi tìm bạn hàng mới, thị trường mới, cùng đó là đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí…, cuối năm 2019, Công ty Doanh Mùi mới tìm được những đối tác tin cậy, những bạn hàng lớn, cho dù đòi hỏi về chất lượng đã ở mức cao hơn rất nhiều so với trước. 

Tuy nhiên, với những người dám nghĩ, dám làm "không tiến lên cũng chẳng còn đường lui” như ông bà Doanh Mùi tâm sự thì doanh nghiệp đã thay đổi để phù hợp và doanh nghiệp đã thực sự vượt qua khó khăn. Công nhân lại bước vào nhà máy để cho ra từ 40 đến 50 m3 gỗ sản phẩm chất lượng cao mỗi ngày, đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu thị trường Nhật Bản hết sức khó tính, mở ra cơ hội cho năm kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020 đầy hứa hẹn.

Nhưng rồi, sự khó khăn chưa buông tha Công ty Doanh Mùi cũng như cả ngành chế biến gỗ khi đại dịch Covid - 19 bùng phát. Chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc của Công ty Doanh Mùi thuê đã về nghỉ tết vô thời hạn vì Trung Quốc là ổ dịch, vì phải cách ly… nên họ không thể sang Việt Nam. 

Không có chuyên gia thì ta tự làm, không có mặt trực tiếp thì làm việc với nhau, chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật qua điện thoại, Zalo, Facebook… đều được. 

Khó khăn thì khắc phục bằng mọi cách và đây là lúc để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là thời cơ để vươn lên làm chủ công nghệ, chủ động sản xuất kinh doanh. Gần 2 tháng sau tết, vừa sản xuất vừa nghe ngóng, chủ doanh nghiệp lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa” thì đầu tháng 3/2020 điều gì đến cũng phải đến. 

Đối tác của Công ty Doanh Mùi gửi thông báo: "Đề nghị Công ty sản xuất nốt số nguyên liệu còn lại (không quá 150 m3) và tạm dừng đơn hàng như hợp đồng cũ”. Phía khách hàng Nhật Bản tạm dừng nhập hàng vô thời hạn. Dòng thông báo ngắn ngủi của đối tác khiến cả chủ và thợ choáng váng, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp bó tay, dừng sản xuất có nghĩa là chết. Lãnh đạo Công ty Doanh Mùi nghĩ vậy và họ đã tìm đến bạn bè trong ngành gỗ, tìm đến những nhà buôn với mong muốn có giải pháp để cùng vượt qua khó khăn như: cùng ngành sản xuất thì chia sẻ đơn hàng; bản thân thì chấp nhận làm hòa vốn để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, đảm bảo đời sống, việc làm cho họ; với nhà buôn thì bỏ vốn gom hàng với giá thu mua hợp lý, chỉ đảm bảo đủ chi phí kho bãi, quản lý và lãi suất ngân hàng… tất cả cùng "chia lửa” lúc khó khăn của giai đoạn dịch bệnh. 

Đồng hành với doanh nghiệp và người dân, những động thái như giảm lãi suất ngân hàng, miễn, giảm, giãn các khoản thuế… dù chưa chính thức được áp dụng nhưng với các doanh nghiệp như Công ty Doanh Mùi cũng thấy được Chính phủ đã và sẽ quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp. 

Đặc biệt, việc giá xăng dầu giảm sâu, giá điện cũng được hạ, tới đây là nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ nhằm thực hiện "mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định phát triển kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp như Doanh Mùi có niềm tin và chỗ dựa để vượt qua khó khăn. 

"Hết dịch cũng chưa thể hết khó khăn được ngay, vì tổng cầu sẽ không tăng đột ngột. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi doanh nghiệp đều phải cố gắng. Chính phủ đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ; tôi luôn tin tưởng bản thân mình, Chính phủ Việt Nam và cả thế giới sẽ vượt qua cơn khủng hoảng này một cách nhanh chóng để khôi phục sản xuất, bù đắp thiếu hụt và vươn lên mạnh mẽ” - chủ Công ty Doanh Mùi đã nói như vậy! 

Lê Xuân Trường

Tags Yên Bái ngành nghề chế biến gỗ Công ty Doanh Mùi xã Hưng Thịnh huyện Trấn Yên

Các tin khác
Cán bộ y tế phường Đồng Tâm kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào chợ.

Sau một thời gian tạm nghỉ để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đến đầu tháng 5, một số loại hình kinh doanh dịch vụ đã được phép hoạt động trở lại.

Sắn củ thu hoạch trên các đảo ở hồ Thác Bà.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,02 triệu tấn, trị giá tương đương với 349 triệu USD (tăng 11,5% về khối lượng và giảm 0,01% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị.

Bộ Tài chính đang có nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục