Đầu năm 2020, Hội Nông dân huyện Yên Bình đưa vào trồng thử nghiệm 2 ha cây gai xanh tại xã Xuân Lai, Mỹ Gia. Đến nay, loại cây này đang mang lại tín hiệu tích cực về hướng phát triển kinh tế.
Cây gai xanh hay còn gọi là cây lá gai là loại cây rất có giá trị kinh tế, bởi có thể sử dụng tất cả bộ phận của cây để làm ra sản phẩm như: thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải; lá được sử dụng trong chế biến bánh gai và tách chiết lấy tinh dầu; thân cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, gốc (củ cây gai) có thể chế biến làm dược phẩm…
Một đặc điểm ưu việt của loại cây trồng này là lưu lại gốc, trồng một lần có thể thu hoạch trên 10 năm, mỗi năm từ 4 - 5 lứa; là loại cây chịu hạn tốt, thời gian thu hoạch từ 45 - 50 ngày/lứa, ít sâu bệnh. Do đó, nông dân có thể tiết kiệm chi phí cây giống và công chăm sóc.
Cùng tham quan mô hình trồng cây gai xanh tại xã Mỹ Gia, ông Nguyễn Đức Vượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Bình cho chúng tôi biết: "Tháng 3/2020, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước trồng thử nghiệm 2 ha cây gai xanh với sự tham gia của 5 hộ.
Tham gia Dự án này, người dân được Công ty hỗ trợ về cây giống và tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua thử nghiệm cho thấy, cây gai xanh dễ trồng, năng suất bình quân 1 tấn/ha/lứa, giá bán hiện là 40.000 đồng/kg vỏ khô và trừ chi phí có thể cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với các cây trồng truyền thống khác; do đó, chúng tôi đang tích cực vận động người dân tham gia trồng thử nghiệm”.
Thăm vườn gai xanh của ông Hoàng Ngọc Sử tại xã Mỹ Gia, ông cho hay: "Được Hội Nông dân huyện tuyên truyền, vận động và tổ chức cho 20 hội viên, nông dân của xã đi thăm quan mô hình trồng cây gai xanh tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ và tìm hiểu thông tin trên các phương tiện báo chí, gia đình tôi đã chuyển đổi 0,6 ha vườn đồi sang trồng thử nghiệm cây gai xanh. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển tốt".
"Sau hơn 2 tháng, gia đình tôi thu hoạch lứa đầu tiên 300 kg vỏ khô và từ lứa thứ hai sẽ đạt năng suất cao. Ngoài ra, phần lá được làm thức ăn gia súc, làm bánh gai, phần sinh khối còn lại như lá, thân sau khi tuốt sẽ được rải theo luống, giúp cải tạo độ phì của đất, giảm được chi phí đầu tư phân hữu cơ” - ông Sử nói.
Với đặc điểm đời sống của nhân dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng keo, bạch đàn và vườn tạp, hiệu quả kinh tế không cao, nên khi tham gia vào mô hình trồng cây gai xanh, nông dân hy vọng loại cây này sẽ cho hiệu quả kinh tế khả quan; đầu ra của sản phẩm đã có Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước ký hợp đồng bao tiêu dài hạn nên người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Được biết, hàng năm các nhà máy sản xuất dệt sợi trong nước cần hàng chục nghìn tấn nguyên liệu, nhưng việc sản xuất sợi gai mới ở quy mô nhỏ lẻ nên phải nhập khẩu gần như toàn bộ.
Bởi vậy, với tiềm năng và hiệu quả bước đầu, Hội Nông dân huyện Yên Bình đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ tại 22 xã, thị trấn chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai, phấn đấu năm 2021 nâng diện tích trồng cây gai xanh lên 30 - 40 ha, tạo sự liên kết, phát triển cây gai xanh trở thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung chuyên canh.
Từ đó, giúp cho các nhà máy sản xuất dệt sợi trong nước chủ động nguồn nguyên liệu, tiết kiệm được chi phí đầu vào; đồng thời, tạo cơ hội cho người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Thanh Chi