Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt và tư vấn kỹ năng bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu.
Đối với chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, trong 5 năm gần đây, đã tổ chức 13 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Không chỉ nâng cao về chất lượng tổ chức thực hiện mà số lượng các phiên chợ được tổ chức cũng tăng gấp đôi so với giai đoạn 2009 - 2014.
Chương trình đã góp phần tuyên truyền tới nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn biết tới các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để định hướng, khuyến khích người dân quan tâm, tiêu dùng hàng Việt.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt, Sở Công Thương từ năm 2009 - 2019 đã tổ chức 5 hội chợ khu vực Tây Bắc với quy mô và chất lượng từng bước nâng cao. Hiệu quả của các hội chợ thể hiện ở việc ký kết được nhiều hợp đồng, bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam.
Sở Công Thương hàng năm tiếp tục xác nhận tổ chức hàng chục hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh và đã tập trung dần vào các sản phẩm hàng Việt Nam, đặc sản Việt Nam. Sở cũng thường xuyên phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố đưa sản phẩm thế mạnh của tỉnh tham gia các hội chợ, hội nghị trên toàn quốc.
43 hội chợ tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng… có các sản phẩm thế mạnh của Yên Bái tham gia trưng bày, giới thiệu.
Vừa góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, thông qua các hội chợ cũng vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và trong tỉnh thiết lập và phát triển được hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam từ vùng sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.
Thông qua các hội chợ cũng đã thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tại địa phương tiếp cận với phương pháp bán hàng và quản lý kinh doanh một cách hiện đại, hiệu quả, khoa học. Các nhà sản xuất trong nước cũng có thêm điều kiện, cơ hội nắm bắt, hiểu rõ hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ở các vùng khó khăn.
Về phía người dân, hoạt động này giúp họ nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Hoạt động này được đánh giá là giống như chiếc cầu nối giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng tại các địa phương.
Trong những năm qua, Sở Công Thương cũng quan tâm tổ chức 10 lớp tập huấn cung cấp những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, kỹ năng bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở đã hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm; xây dựng tờ rơi, ca-ta-lô giới thiệu sản phẩm; thiết kế, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng bao bì, nhãn mác; quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Tạp chí Tiêu dùng Việt.
Đặc biệt, Sở đẩy mạnh việc đưa sản phẩm của các doanh nghiệp Yên Bái vào tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Big C trong cả nước. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận các sản phẩm trong nước, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Các doanh nghiệp có thêm cơ hội đánh giá lại kênh phân phối hàng hóa tại thị trường khu vực nông thôn, miền núi cũng như không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt ngay tại thị trường nội địa.
Nguyễn Thơm