Yên Bái cụ thể hóa Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/6/2021 | 7:37:21 AM

YênBái - Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/04/2021. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước trồng một tỷ cây xanh. Yên Bái đã cụ thể hóa Đề án và đưa kế hoạch trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, trong từng khu nông thôn, đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở…

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân vùng cao kỹ thuật trồng rừng.
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân vùng cao kỹ thuật trồng rừng.

Trong đó, 690 triệu cây phân tán ở khu đô thị, vùng nông thôn và 310 triệu cây trồng tập trung ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự phát triển bền vững đất nước.

Để triển khai thực hiện, Yên Bái đã cụ thể hóa Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và đưa kế hoạch trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, trong từng khu nông thôn, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở… với sự tham gia của mọi người dân; huy động tối đa nguồn lực của xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Yên Bái là một tỉnh miền núi, những năm qua, tỉnh đã khai thác và phát huy lợi thế phát triển mạnh sản xuất lâm nghiệp. Sản xuất lâm nghiệp trở thành nghề không thể thiếu với đa số cư dân nông thôn và bình quân mỗi năm người dân trồng trên 15.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng sản xuất. 

Năm 2020, tổ chức giao khoán quản lý, bảo vệ 224.516 ha rừng (gồm 119.917 ha rừng phòng hộ, 29.009 ha rừng đặc dụng, 75.590 ha rừng sản xuất); thực hiện chăm sóc 49.275 ha, gồm rừng trồng phòng hộ là 3.124 ha, rừng trồng sản xuất là 46.051 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% và nằm trong tốp đầu các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất. 

Để tiếp tục đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và thực hiện có hiệu quả Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh đã cụ thể hóa bằng kế hoạch và giao trách nhiệm cũng như các giải pháp thực hiện căn cơ, bài bản. 

Mục tiêu hết năm 2025, tỉnh trồng mới 32,822 triệu cây xanh gồm: 25 triệu cây xanh phân tán, 7,822 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất bằng loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu và ưu tiên các loài cây bản địa. 

Đối với trồng 25 triệu cây phân tán (115,3 nghìn cây ở đô thị, 24,884 triệu cây ở nông thôn) được phân cụ thể: thành phố Yên Bái 1,75 triệu cây, thị xã Nghĩa lộ 2,05 triệu cây, huyện Mù Cang Chải 2,6 triệu cây, Trạm Tấu 2,4 triệu cây, Văn Chấn 3,4 triệu cây, Văn Yên 3,5 triệu cây, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình mỗi huyện trồng 3,1 triệu cây. Bình quân mỗi năm các địa phương trồng 5 triệu cây xanh phân tán. 

Đối với 7,822 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất trong giai đoạn 2021 - 2025 là: Mù Cang Chải 3,8 triệu cây, quy diện tích 1.800 ha (800 ha rừng phòng hộ, 1.000 ha rừng sản xuất), Trạm Tấu 2,392 triệu cây bằng 1.160 ha (800 ha rừng phòng hộ, 360 ha rừng sản xuất), Văn Yên 0,75 triệu cây bằng 350 ha (100 ha phòng hộ, 250 ha rừng sản xuất), còn lại Văn Chấn 0,33 triệu cây, Trấn Yên 0,22 triệu cây, Lục Yên 0,22 triệu cây, Yên Bình 0,11 triệu cây đều là trồng rừng sản xuất. 

Tổng kinh phí dự kiến trên 186 tỷ đồng, nguồn kinh phí chủ yếu từ các chương trình, dự án quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. 

Giải pháp thực hiện, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch của tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình của đơn vị, địa phương mình phù hợp với điều kiện thực tế; đưa chỉ tiêu trồng cây xanh thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tổ chức rà soát quỹ đất trồng cây phân tán, bố trí đất trồng cây ở những vị trí phải ổn định, lâu dài và có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. 

Loại cây trồng thuộc Danh mục các loài cây lâm nghiệp chính tại Thông tư 30/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các loài cây bản địa khác phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương. Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trồng pơ mu, dổi, re, tô hạp, thông, sơn tra, vối thuốc… 

Đối với cây xanh trồng rừng sản xuất trồng mỡ, keo, bồ đề, chò chỉ, bạch đàn mô, keo lai… Đối với loài cây xanh đô thị, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với quy hoạch, mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái. Tất cả cây khi trồng phải đảm bảo tiêu chuẩn cây xanh đô thị do UBND tỉnh quy định. Tất cả đều hướng tới trồng rừng nâng cao chức năng phòng hộ, tạo nguồn sinh thủy bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. 

Về khía cạnh kinh tế, hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và thâm canh nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên vật liệu cho chế biến, đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế chủ lực, góp phần xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Với một phong trào trồng, bảo vệ và phát triển rừng rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và những kế hoạch, giải pháp cụ thể chắc chắn Yên Bái sẽ hoàn thành kế hoạch trồng mới 32,822 triệu cây xanh, góp phần chung tay cùng cả nước hoàn thành Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thanh Phúc  

Tags trồng 1 tỷ cây xanh rừng phòng hộ rừng đặc dụng trồng rừng sản xuất

Các tin khác
Một mô hình tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất tằm tơ đã cho hiệu quả kinh tế cao ở thị trấn Sơn Thịnh.

Hết năm 2020, những hỗ trợ từ Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2019 - 2025 đã góp phần hình thành các vùng trồng dâu tập trung chuyên canh với tổng diện tích 1.198 ha. Người dân tích cực tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) tạo thành chuỗi liên kết với các công ty, doanh nghiệp từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ba ba gai ở Văn Chấn đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều hình thức, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nâng cao nhận thức ưu tiên sử dụng hàng Việt trong cuộc sống hàng ngày.

Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trước những khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng 2021.

Giải ngân vốn đầu tư nhanh, kịp thời là một trong các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân nhanh sẽ làm giảm thiểu các chi phí quản lý dự án, chi phí xây dựng và chi phí chung của xã hội. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay từ đầu năm, huyện Văn Yên đã tập trung nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục