Yên Bái: Giải pháp nào cho chăn nuôi cuối năm trong “trạng thái bình thường mới”?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/10/2021 | 7:44:26 AM

YênBái - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với giá thức ăn gia súc tăng liên tục, trong khi giá lợn hơi giảm đã tác động mạnh đến lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn. Làm gì đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là thị trường cuối năm và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là vấn đề đang được quan tâm.

Các địa phương cần có chính sách và cơ chế “đặc thù” thúc đẩy tăng đàn lợn thịt, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn (ảnh minh họa).
Các địa phương cần có chính sách và cơ chế “đặc thù” thúc đẩy tăng đàn lợn thịt, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn (ảnh minh họa).

Bước vào năm 2021, ngành chăn nuôi Yên Bái phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: thời tiết bất thường, dịch bệnh hoành hành khắp nơi, giá thức ăn tăng cao, thị trường đầu ra không ổn định. Bằng nỗ lực của mình, ngoài ổn định thị trường, chủ động phòng chống dịch, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy chăn nuôi. 

Nhờ vậy, trong 8 tháng của năm, tổng đàn gia súc chính vẫn đạt 689.436 con, bằng 91,6% kế hoạch (trâu 98.370 con, bò 34.050 con, đàn lợn 557.016 con); đàn gia cầm 6,110 triệu, đạt 115% so với kế hoạch. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 44.694 tấn, đạt 77,1% kế hoạch năm, trong đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 35.224 tấn, bằng 74% kế hoạch. 

Để giữ vững nhịp độ chăn nuôi, ngay thời điểm này, việc đẩy mạnh tái đàn là rất quan trọng, không chỉ đảm bảo kế hoạch, chỉ tiêu phát triển chăn nuôi năm 2021 mà còn bù đắp những hạn chế, thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục ở đàn trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn và dịch cúm gia cầm cũng như do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19. Quan trọng hơn cả là đáp ứng nguồn cung cho thị trường cuối năm và tết Nguyên đán 2022. 

Bên cạnh đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia thị trường cũng như các nhà quản lý và thông lệ của thị trường thì vào dịp cuối năm, nhất là dịp tết Nguyên đán giá thực phẩm thường tăng trên dưới 10%, người chăn nuôi sẽ có lãi cao. 

Trên lý thuyết là vậy, nhưng để đảm bảo các mục tiêu trên, ngoài các hộ gia đình, các trang trại chăn nuôi, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động tái đàn thì nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng đang là một vấn đề lớn. Cùng với việc tái đàn, các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, trang trại cần đẩy mạnh việc sản xuất con giống phục vụ nhu cầu người chăn nuôi. Ngoài việc khai thác và sử dụng con giống tại chỗ, cần tìm nguồn cung giống từ các địa phương ngoài tỉnh, giống nhập khẩu. 

Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Từ đầu năm đến nay, gia đình đã nuôi và xuất bán 40 tấn lợn thịt, sau khi trừ chi phí cũng lãi ngót trăm triệu đồng. Để phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm, gia đình vừa vào chuồng 50 con lợn giống đảm bảo chất lượng, hy vọng giá lợn hơi sẽ tăng trong một vài tháng tới”. 

Việc tái đàn đảm bảo nguồn cung cho thị trường là rất phù hợp, tuy nhiên theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, tại thời điểm này thời tiết đang chuyển mùa sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, do vậy khi tái đàn các hộ chăn nuôi cần chú ý phòng chống dịch bệnh, tuân thủ quy định về con giống và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. 

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi, trước khi tái đàn, bà con cần phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất theo Quyết định 727/QĐ-UBND ngày 28/4/2021 và các dự án liên kết chuỗi; thực hiện hỗ trợ chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ; Quyết định 1605/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất  nông - lâm nghiệp và thủy sản Yên Bái (đợt 2) năm 2021 (đã hỗ trợ 17 dự án liên kết theo chuỗi giá trị và 496 cơ sở chăn nuôi), đây là những động lực cho phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

 Theo đó, các địa phương cần có chính sách và cơ chế "đặc thù”, chính sách về lãi suất vốn vay để thúc đẩy chăn nuôi, tăng đàn, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, là đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

Thúc đẩy chăn nuôi gắn với chăn nuôi an toàn dịch bệnh là cơ sở để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, góp phần ổn định thị trường và cũng là yếu tố cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch năm 2021. 

Thanh Phúc

Tags Yên Bái giải pháp chăn nuôi trạng thái bình thường mới

Các tin khác
Nông dân huyện Lục Yên thu hoạch lúa mùa.

Những ngày này, trên các cánh đồng ở Lục Yên, nông dân đang hối hả thu hoạch lúa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để nhanh giải phóng đất làm vụ đông.

Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, song trong 9 tháng, toàn tỉnh Yên Bái vẫn có 236 doanh nghiệp thành lập mới.

Chị Hiền chỉ đạo trên công trình xây dựng.

Phụ nữ vốn được xem là chân yếu, tay mềm, nhưng khi nhắc đến cái tên “Hiền bê tông” thì mọi người làm trong nghề xây dựng trên địa bàn thành phố Yên Bái cũng như ở nhiều địa phương khác biết tới là một phụ nữ mạnh mẽ, làm công việc nặng nhọc nhưng rất chuyên nghiệp đến cánh nam giới cũng phải nể phục. Chị là Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1969 ở tổ 5, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái.

Ảnh minh họa.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục