Cuối năm 2020, từ nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo phát triển và bảo tồn giống vịt bầu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 20 hộ dân xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đã tham gia nuôi với quy mô 550 con/lứa. Người dân tham gia được hỗ trợ con giống và 300 kg thức ăn/hộ.
Ông Hoàng Kim Đông ở thôn Bản Vần cho biết: "Chúng tôi đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thực hiện tiêm phòng các bệnh, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, uống sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng tiêu độc khu chăn nuôi… nên đàn vịt phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trọng lượng đạt 1,7 - 2,2 kg/con sau 4 tháng; một năm 3 lứa, với giá bán 60 - 70.000 đồng/kg, tôi thu về gần 60 triệu đồng. Gia đình tôi làm du lịch cộng đồng nên tôi chủ yếu nuôi vịt để chế biến món ăn phục vụ du khách. Du khách đánh giá rất cao về độ thơm ngon của giống vịt này nuôi ở Việt Hồng”.
Không chỉ hộ ông Đông, nhiều hộ dân ở xã Việt Hồng sau khi kết thúc Dự án đã tự mình nhân rộng mô hình. Đồng chí Nguyễn Đức Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Nguồn nước suối tự nhiên ở thôn Bản Nả là một trong những lợi thế để phát triển chăn nuôi vịt bầu. Năm 2021, toàn xã đã xuất bán khoảng 4.000 con vịt với giá bình quân là 130.000 đồng/con và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, nhất là khi giống vịt này đã xây dựng được thương hiệu. Năm 2022, huyện giao chỉ tiêu cho xã phát triển 3.000 con, Nghị quyết Đảng bộ xã đặt chỉ tiêu phát triển 4.000 con. Hiện, nhiều hộ đang tiến hành tu sửa, xây dựng lại chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất để chuẩn bị nuôi vịt vào tháng tới đây”.
Tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, cuối năm vừa qua, 7 hộ nông dân của Tổ hợp tác Nuôi vịt bầu đặc sản cũng được hỗ trợ tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường với quy mô từ 300 - 500 con vịt/đợt.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 2.250 con vịt bầu giống 1 ngày tuổi; hỗ trợ 9.675 tấn cám chăn nuôi vịt, 4.500 liều vaccine tả, 2.250 liều vaccine viêm gan, 2.250 liều vaccine cúm gia cầm. Bên cạnh đó, các hộ nông dân được hỗ trợ 1 kg chế phẩm Biowish bổ sung thức ăn chăn nuôi và 1 kg chế phẩm Biowish xử lý chất thải chăn nuôi; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học.
Anh Lý A Nủ ở bản Háng Bla Ha B cho biết: "Gia đình tôi được hỗ trợ 321 con vịt giống. Từ khi sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào cám, tôi thấy đàn vịt lớn nhanh, không bị chết con nào. Đến nay, đàn vịt sắp được xuất chuồng và tôi định sẽ giới thiệu bán cho các nhà hàng ở trung tâm huyện chắc cũng được một khoản khá. Đặc biệt, nhờ dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải nên môi trường sạch sẽ, không có mùi hôi”.
Năm 2020, vịt bầu Lâm Thượng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu Vịt bầu Lâm Thượng. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận là giải pháp nhằm bảo tồn nguồn con giống bản địa, nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển chăn nuôi giống vịt đặc sản của địa phương. Đây cũng là cơ sở để nhân dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển vùng sản phẩm vịt bầu đặc sản địa phương. Nhờ đó, năm 2021, toàn tỉnh đã phát triển được 120.000 con vịt bầu; trong đó, đã nhân rộng đến các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Mù Cang Chải, bước đầu cho kết quả khả quan.
Hoài Anh