Trấn Yên kỳ vọng thắng lợi vụ tằm xuân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2022 | 3:57:19 AM

YênBái - Những ngày này, trên khắp cánh đồng dâu ven sông Hồng từ Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Hòa Cuông, sang đến Y Can, Quy Mông và các xã vùng sâu, vùng cao như Hồng Ca, Hưng Khánh, bà con đang tích cực hái dâu, nuôi tằm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Min (đứng giữa) - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương và lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm mô hình sản xuất tằm giống tại xã Việt Thành.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Min (đứng giữa) - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương và lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm mô hình sản xuất tằm giống tại xã Việt Thành.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành - một trong những hộ nuôi tằm lớn nhất nơi đây cho biết: "Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn các nhà máy đều tạm dừng sản xuất do thiếu thị trường nên giá kén tằm đã giảm mạnh, có những thời điểm chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg. Tuy vậy, tôi và các hộ dân ở đây vẫn kiên trì bám trụ với cây dâu, con tằm. Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 50 sào đất trồng dâu gồm cả đất thuê của các hộ khác. Từ đầu vụ tằm xuân 2022 đến nay, nhà tôi đã thu hoạch được 2 lứa kén, đạt sản lượng gần 300 kg và với giá kén 130.000 đồng/kg thì đã có thu nhập gần 40 triệu đồng”. 

Theo ghi nhận, với những tín hiệu lạc quan về thị trường và giá cả, nên người trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên đang rất phấn khởi, kỳ vọng về một vụ tằm xuân đầy thắng lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, thôn Lan Đình, xã Việt Thành cho biết: "Gia đình tôi hiện có 15 sào đất trồng dâu, mỗi lứa có thể nuôi được 3 nong tằm giống. Năm nay, nhiều hộ dân trong thôn chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ phân bón và riêng nhà tôi còn được huyện hỗ trợ một giàn khay trượt nuôi tằm lớn, giúp cho có thể nuôi được nhiều tằm hơn trong nhà tằm hiện có của gia đình vừa giúp chúng tôi giảm công lao động, dễ chăm sóc và phòng trừ bệnh cho tằm nên tôi rất phấn khởi. Với giá kén tằm được thương lái thu mua 130.000 đồng/kg như hiện nay, tôi tin năm nay người nuôi tằm sẽ có vụ thu hoạch thắng lợi nhất”. 

Huyện Trấn Yên hiện đã hình thành được vùng trồng dâu hơn 700 ha, với gần 1.500 hộ nuôi tằm lớn, sản lượng kén tằm cả năm đạt 973,6 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Theo bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau 20 năm cây dâu bén rễ thì nghề dâu tằm đã mang lại những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Có được kết quả này, bên cạnh sự tin tưởng, đồng thuận của người dân thì huyện và chính quyền các địa phương đã tích cực khuyến khích, vận động người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nuôi tằm; tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm làm đầu mối trung gian kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Các tiến bộ kỹ thuật trong trồng dâu, nuôi tằm được áp dụng chặt chẽ, đồng bộ theo hướng hữu cơ, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... 

Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên đặc biệt chú trọng tới việc liên kết với các doanh nghiệp xây dựng nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm kén tằm. Hiện nay, nhà máy của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đặt tại xã Báo Đáp dự kiến hoàn thành và chạy thử vào đầu tháng 6/2022. 

Ở giai đoạn 1, sẽ lắp đặt 2 giàn máy ươm tơ công suất 3.600 kg kén/ngày và giai đoạn 2 sẽ lắp đặt 6 giàn máy ươm tơ công suất 7.000 kg kén/ngày. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành trong khối nông nghiệp phối hợp với các địa phương tích cực vận động người dân tiếp tục ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích dâu giai đoạn kinh doanh; tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên ruộng dâu và thu gom phân tằm của các hộ nuôi tằm nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; phun thuốc tiêu độc khử trùng nhà tằm và cách ly nhà tằm sau mỗi lứa nuôi. 

Đối với công tác thu mua, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã chỉ đạo Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hợp tác xã để thống nhất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm kén; hướng dẫn các hợp tác xã quy cách phân loại chất lượng tiêu chuẩn, chủng loại kén để tiến hành thu mua hết sản phẩm cho người dân. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng tranh mua tranh bán gây mất đoàn kết, mất an ninh trật tự trên địa bàn. 

Ngoài ra, các hợp tác xã dâu tằm tiếp tục vận động, kết nạp thành viên, hình thành chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, có hiệu quả.

Hỗ trợ 5 giàn khay trượt nuôi tằm cho người dân

Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên vừa thực hiện cấp 5 giàn khay trượt nuôi tằm cho các hộ dân ở các xã: Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng. Chương trình hỗ trợ giàn khay trượt nuôi tằm thuộc Dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tổng hợp thâm canh cây dâu và nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên”. 

Đợt này, Dự án sẽ hỗ trợ 5 giàn khay trượt cho 3 hộ dân ở 3 xã (tùy thuộc theo diện tích trồng dâu hiện có và nhà tằm đã xây dựng). 

Giàn khay trượt nuôi tằm bằng khay sắt, cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,5 m, có 4 bánh xe di chuyển. Khung có 4 khay trượt đẩy ra đẩy vào, có hàn lưới B40, ngang 1,5 m, dài 5 m. Khi nuôi tằm sẽ trải 1 lớp lưới vào khay. 

Việc áp dụng nuôi tằm bằng khay trượt dự kiến sẽ cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giảm thiểu được ngày công lao động, đảm bảo độ thông thoáng, dễ dàng vệ sinh, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, sản lượng trong cùng 1 diện tích phòng nuôi.

Thanh Tiến


 Hùng Cường

Tags Trấn Yên nuôi tằm Tân Đồng Báo Đáp Đào Thịnh Hòa Cuông Covid-19 hữu cơ

Các tin khác
Ngân hàng BIDV Yên Bái vừa bảo đảm phòng dịch Covid-19 vừa đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch, nhưng thời gian qua, ngành ngân hàng Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh vốn tín dụng cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tiếp tục đánh giá các chuyên đề tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 5/5, các đồng chí: Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh để đánh giá các chuyên đề tích hợp tiếp theo vào Quy hoạch.

Gạo chất lượng cao của Việt Nam đang bán được giá cao ở ASEAN.

Văn phòng Bộ Công thương vừa thông tin, loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang các nước trong khu vực ASEAN với giá bán cao. Việt Nam sẽ giảm xuất khẩu loại gạo trắng thường vì không cạnh tranh được với gạo giá rẻ của Myanmar, Pakistan và Ấn Độ... và chương trình tư vấn cho doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày mai 5-5.

Cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân huyện Mù Cang Chải thực hiện mô hình thâm canh khoai sọ.

Những năm qua, thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận những kỹ thuật mới, đưa các cây, con giống mới, cách làm mới ứng dụng vào thực tiễn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục