Ngày 23/8, tại Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo "Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Na Uy. Giá trị xuất khẩu tăng từ 1,8 tỷ USD năm 2000 lên 8,9 tỷ USD năm 2021, trong đó nuôi trồng thủy sản đóng góp 5,5 tỷ USD và hải sản khai thác đóng góp 3,4 tỷ USD.
Năm 2010, cả nước có 533 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, đến năm 2019 là 784 cơ sở, trong đó có 644 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh, 18 cơ sở chế biến đồ hộp, 84 cơ sở chế biến hàng khô, 35 cơ sở chế biến nước mắm và mắm các loại, 3 cơ sở làm dịch vụ kho lạnh. Đến tháng 7/2022, có 838 nhà máy quy mô công nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó 659 nhà máy có mã code xuất khẩu EU.
Để phát triển ngành thủy sản, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ ra rằng, cần nâng cao nhận thức cho các đối tượng về lợi ích thông qua việc có hệ thống cung cấp những thông tin đầy đủ hơn, tin cậy hơn về tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa thông qua việc có chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước cũng như khuyến khích tìm kiếm hỗ trợ trong chuỗi sản xuất mặt hàng.
Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường Trung Quốc đứng đầu, thứ hai là Mỹ, thứ 3 là thị trường CPTPP, Thứ 4 là EU.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến khoảng 126 thị trường. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là Trung Quốc, Mỹ, CPTPP, EU, ASEAN, Braxin.
Theo ông Phong, từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng nên cần có những giải pháp để duy trì sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.
Ông Phong cho rằng, để ngành cá tra phát triển bền vững thì việc áp dụng các giải pháp công nghệ về cơ giới hóa là rất cần thiết. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý để tháo gỡ các nút thắt trong sản xuất và chế biến cá tra nhằm giảm chi phí nuôi, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đưa con cá tra phát triển bền vững hơn. Đồng thời, tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất và tốt nhất vào tất cả các công đoạn của quy trình nuôi và quy trình chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cần nhân rộng nhiều mô hình được doanh nghiệp lựa chọn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất cá tra, điển hình là dự án nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt được triển khai tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Với qui mô 600ha, được trang bị công nghệ hiện đại như hệ thống cho ăn tự động giúp giảm chi phí nhân công, hệ thống năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện và thân thiện với môi trường.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, trong thời gian tới sẽ phát triển cơ giới hoá đồng bộ trong nuôi trồng thuỷ sản, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng vùng, với các tổ chức có quy mô phát triển theo chuỗi giá trị. Đồng thời, khuyến khích phát triển các tổ chức, trung tâm cơ giới hoá tại các vùng miền về chế tạo, cung cấp máy, thiết bị, công nghệ, dịch vụ giới hoá nuôi trồng thuỷ sản; công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, các ý tưởng đổi mới, sáng tạo để phát triển cơ giới hoá vào nuôi trồng thuỷ sản.
(Theo TPO)