Yên Bái gỡ khó cho doanh nghiệp trong “bão giá” vật liệu

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/8/2022 | 7:48:38 AM

YênBái - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 390 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh cũng phải đối mặt với việc thua lỗ ở một số gói thầu lớn.

Công trình đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đang được các nhà thầu gấp rút thi công.
Công trình đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đang được các nhà thầu gấp rút thi công.

Ông Nguyễn Hữu Lạc - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại An cho biết: "Đối với hình thức hợp đồng trọn gói một số gói thầu không phải quy mô nhỏ (lớn hơn 20 tỷ đồng), các đơn vị chủ đầu tư không tính toán chi phí dự phòng trong giá gói thầu dẫn đến điều chỉnh một số hạng mục mang tính chất xử lý kỹ thuật hoặc có sự biến động về giá như thời gian qua dẫn đến phát sinh chi phí nhưng không được bổ sung giá trị hợp đồng đã ký kết. Một số công trình đấu thầu vào thời điểm giá nguyên vật liệu thấp nhưng khi thi công vào thời điểm giá tăng cao, nhà thầu chưa được điều chỉnh hoặc không được điều chỉnh giá dẫn đến thua lỗ”. 

Từ quý I đến quý III/2022, Sở Xây dựng đã 6 lần điều chỉnh giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giá các loại vật liệu xây dựng chính như: thép, xi măng, cát, đá, sỏi… biến động liên tiếp trong 3 quý với tỷ lệ biến động khoảng 5 - 20%.

Trước những khó khăn trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc sát sao trong việc triển khai thực hiện công tác xây dựng cơ bản. Kế hoạch vốn luôn được giao kịp thời bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án. Các dự án trọng điểm, công tác giải phóng mặt bằng được ưu tiên bố trí kế hoạch vốn bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện. 

Các dự án có tiến độ, khối lượng hoàn thành tốt được giao bổ sung kế hoạch vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu thanh toán cho các nhà thầu. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. 

Một số doanh nghiệp có năng lực, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Nam Phong, Công ty TNHH Nam Thái, Công ty TNHH Lương Gia, Công ty TNHH Đồng Tiến... 

Một số doanh nghiệp xây dựng cơ bản đã bước đầu quan tâm, nghiên cứu việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư sử dụng nguồn vốn sở hữu của doanh nghiệp và nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng như Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái. 

Các huyện, thị xã, thành phố cũng có một số giải pháp chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, như hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn hoặc quyết toán đối với các hạng mục đã hoàn thành cho nhà thầu thi công. Từ đó, các doanh nghiệp tiếp tục quay vòng vốn thực hiện dự án. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong thi công, rút ngắn tiến độ, góp phần giảm chi phí phát sinh. 

Cùng với đó, các chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu và bố trí đủ vốn theo quy định để giải ngân kịp thời theo tiến độ.


Năm 2022, Yên Bái thực hiện 1.550 dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển. Trong đó, 155 dự án  cấp tỉnh quản lý, 953 dự án cấp huyện quản lý và 442 dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Hiện nay, trên 60 dự án đang bị chậm tiến độ so với thời gian được phê duyệt hoặc chậm so với hợp đồng đã ký kết; trên 100 dự án khối tỉnh bị ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng. 

Đến hết tháng 7/2022, số vốn đã giải ngân đạt 1.913.745 triệu đồng, bằng 45% kế hoạch. Riêng đối với các nguồn vốn Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải ngân đạt 1.623.531 triệu đồng/kế hoạch 3.366.261 triệu đồng, bằng 48%; cao hơn giải ngân chung cả nước, tỉnh Yên Bái đứng thứ 17 so với các bộ, ngành trung ương và địa phương. 


Hồng Duyên

Tags Yên Bái doanh nghiệp bão giá vật liệu

Các tin khác
Nông dân xã Hát Lừu chăm sóc lúa mùa.

Hiện tại, lúa mùa trên các chân ruộng gieo cấy hai vụ của huyện Trạm Tấu mới đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh mạnh. Đây là thời điểm bà con đang tích cực thăm đồng, làm cỏ, bón thúc và phòng trừ sâu bệnh.

Một mô hình chăn nuôi tại xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách đã được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai thực hiện một cách khẩn trương, sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

Công nhân ngành điện kiểm tra, bảo dưỡng máy biến áp đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh.

Để bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, ổn định phục vụ các sự kiện chính trị, sản suất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2022-2023, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các điện lực trực thuộc kiểm tra toàn bộ đường dây, trạm biến áp và tăng cường nhân lực ứng trực duy trì cấp điện an toàn, ổn định.

Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc của tỉnh và của huyện, Trạm Tấu khuyến khích hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc quy mô từ 10 con đến dưới 30 con, phù hợp với điều kiện chăn nuôi trang trại hộ gia đình; hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục