Giao thông Yên Bái: Từ kiến tạo đến động lực phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/9/2022 | 7:03:17 AM

Với tầm nhìn chiến lược, những năm qua hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Từ những cây cầu nối đôi bờ sông Hồng đến những con đường kết nối liên vùng, liên khu vực, xoay quanh tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã tạo nên những “mắt xích” nối liền huyết mạch kinh tế, đánh thức tiềm năng ở những vùng đất xa xôi trên địa bàn...

Tuyến đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một
Tuyến đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một "mắt xích” quan trọng mở rộng thành phố Yên Bái sang hữu ngạn sông Hồng.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành năm 2014 đã mở ra cơ hội lớn trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Từ đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng để kết nối vùng, liên vùng với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được triển khai xây dựng. 

Đầu tiên phải kể đến đường Âu Cơ hiện đại, khang trang, rồi đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tiếp đó là cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, cầu Cổ Phúc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên sang phía hữu ngạn sông Hồng. 

Đến nay, toàn tỉnh có 22 tuyến đường, công trình cầu có tính kết nối vùng, liên vùng với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã và đang triển khai đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện, đồng bộ mạng lưới giao thông của tỉnh. 

Theo ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các khu vực của tỉnh; đồng thời gắn kết với mạng giao thông vận tải quốc gia, đặc biệt là kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Từ tầm nhìn, mục tiêu đó, hiện nay tỉnh Yên Bái đang thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường nối Quốc lộ 37, 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao IC13, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (hạng mục đường dẫn); tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Khánh Hòa - Văn Yên; đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15)... 

Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: đường nối tỉnh lộ 163 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14); cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15)... 

"Các tuyến đường kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng vận tải, giảm bớt chi phí, thời gian đi lại giữa các khu vực trong tỉnh với đường cao tốc, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện sẽ đẩy mạnh liên kết các vùng, miền trong tỉnh, kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch, hạ tầng đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh” - ông Đỗ Việt Bách cho biết thêm.

Một góc trung tâm thành phố Yên Bái.

Bên cạnh đó, công tác sửa chữa, bảo trì, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh luôn được Bộ Giao thông và Vận tải, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư góp phần bảo đảm an toàn giao thông, xóa đói giảm nghèo, kinh tế phát triển bền vững. 

Trong năm 2021, UBND tỉnh đã bố trí 129,6 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo được 27,8km đường và 8 cầu trên các tuyến đường tỉnh đồng thời, Bộ Giao thông và Vận tải đã bố trí 137,8 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo 19km đường quốc lộ. Dự kiến đến hết năm 2025 cơ bản các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ sẽ được sửa chữa, gia cố lề, gia cố rãnh dọc, hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông, đảm bảo giao thông luôn thông suốt; các công trình cầu yếu, ngầm tràn liên hợp sẽ dần được thay thế bằng các công trình cầu, cống hộp mới đảm bảo không bị ngập úng, tắc đường khi vào mùa mưa lũ... 

Đến năm 2030, phấn đấu đảm bảo các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở mới hoàn thiện đồng bộ vào đúng cấp kỹ thuật (đạt từ cấp IV trở lên) theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch tỉnh được phê duyệt. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 loại hình giao thông vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, trong đó, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo. Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có 1 tuyến đường cao tốc với chiều dài 80,5km; 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 399,21km; 13 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 452,10km; 332,81km đường đô thị và khoảng 8.000km đường huyện, đường xã, thôn, bản, chuyên dùng; mật độ mạng lưới giao thông đường bộ là 1,36 (km/km2); tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ tăng 51,5% so với năm 2010 và tăng 9,6% so với năm 2015.

Cùng với đó, công tác phát triển hạ tầng giao thông được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, cụ thể là việc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu kiên cố hóa (bê tông hóa và nhựa hóa) trên 2.000 km, trung bình mỗi năm là 400km. Với sự quyết tâm phấn đấu của chính quyền các địa phương và sự đồng lòng của người dân, nhiều hộ gia đình đã tích cực đóng góp ngày công, tiền và tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn... 

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 550/400km, đạt 137,5% kế hoạch; dự kiến đến hết năm 2025 hoàn thành vượt chỉ tiêu kiên cố hóa đường giao thông nông thôn theo mục tiêu Đề án đã đề ra, nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh lên 5.950km/7.870km, đạt 75,6%. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành kiên cố hóa toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. 

Chính vì thế, những công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư, xây dựng sẽ là "động lực” để Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Hùng Cường

Tags Nội Bài - Lào Cai quốc lộ 32C giao thông nông thôn Khánh Hòa - Văn Yên đường bộ đường sắt đường thủy

Các tin khác
Nhân dân các địa phương trong tỉnh tích cực hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để kiến tạo nông thôn mới.

Với quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự chung sức của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã gặt hái nhiều kết quả ấn tượng, được Trung ương đánh giá là điểm sáng, dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Kiểm định phương tiện tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình (1701s).

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được khởi công từ tháng 4/2019 với tổng chiều dài khoảng 80km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/giờ với tổng kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng.

Nông dân xã Việt Hồng tham gia vệ sinh môi trường đường giao thông nông thôn.

Hội Nông dân (HND) xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có 500 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội, chiếm trên 90% hội viên làm nông, lâm nghiệp. Những năm qua, Hội luôn làm tốt chức năng là cầu nối các hoạt động “Liên kết bốn nhà”, tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức học nghề… nâng cao đời sống cho hội viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục