"Không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân"
Hồi tháng 10/2022, Bộ Công Thương gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới. Đối với biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc hoặc 4 bậc.
Trả lời phóng viên báo chí, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong số các ý kiến góp ý gửi về Bộ Công Thương, 92,2% đề xuất lựa chọn phương án 1 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân). Chỉ có 7,8% đề xuất lựa chọn phương án 2 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân).
Phương án 5 bậc
Phương án 4 bậc
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành được thiết kế theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thông qua việc quy định mức giá thấp cho những bậc đầu nhằm hỗ trợ hộ có mức sử dụng điện thấp và trung bình.
"Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt mặc dù không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân nhưng sẽ có một số khách hàng phải tăng tiền điện. Ngược lại, sẽ có một số khách hàng được giảm tiền điện so với giá điện hiện hành ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ sử dụng điện của khác hàng", lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực chia sẻ.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, khi góp ý cho dự thảo này đã phân tích: Với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Cần sớm sửa đổi biểu giá điện
Tại hội nghị tổng kết năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Thực tế nhiều năm nay, Bộ Công Thương liên tục đưa ra dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới, nhưng vẫn chưa thể ban hành do nhận nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt.
Theo Bộ Công Thương, việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ có tác động rất lớn đến các hộ sử dụng điện sinh hoạt, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ thu nhập thấp có mức sử dụng điện thấp hoặc trung bình nên cần có nghiên cứu, đánh giá, phân tích một cách cẩn trọng, không thể nóng vội.
Vì vậy, trong tháng 10/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng: Biểu giá bán lẻ điện hiện hành được ban hành từ năm 2014, qua nhiều năm thực hiện đã phát huy nhiều tác dụng tích cực. Nhưng, các điều kiện về sản xuất cung ứng điện, cơ cấu tiêu dùng, thu nhập người dân hiện đã thay đổi so với trước. Do vậy, các quy định hiện hành của biểu giá năm 2014 không còn phù hợp với tình hình mới.
Theo chuyên gia này, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc là nhiều bậc, gây khó khăn cho công tác quản ý của ngành và giám sát của người tiêu dùng điện. Mức độ phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện cũng như cơ cấu tiêu dùng điện không còn phù hợp.
"Chúng ta cần cải tiến biểu giá bán lẻ điện để khắc phục các bất cập của biểu giá điện hiện hành, đảm bảo biểu giá điện mới cải tiến đơn giản hơn, minh bạch hơn trong quản lý và giám sát. Đồng thời, tạo áp lực mạnh hơn đối với việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả”, ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý.
(Theo Vietnamnet)