Giá thép tăng sát Tết Nguyên đán

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/1/2023 | 9:33:28 AM

Mỗi tấn thép trong nước hiện vượt 15 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với cách đây một tuần.

Thép xây dựng Hoà Phát.
Thép xây dựng Hoà Phát.

Sau thời gian dài giảm và đi ngang, giá thép trong nước liên tiếp tăng trở lại. Cách đây ba ngày, thép Hoà Phát thông báo tới khách hàng về đợt tăng giá thứ 2 trong tháng đầu năm 2023, với mức tăng 200.000 đồng một tấn thép cuộn CB240. Theo đó, mỗi tấn thép xây dựng của Hoà Phát lên 14,94 triệu đồng ở phía Bắc và 14,91 triệu đồng tại khu vực miền Trung.

Tương tự, Thép Thái Nguyên, Việt Nhật, Việt Ý... cũng đồng loạt tăng thêm 200.000 đồng mỗi tấn thép xây dựng. Chẳng hạn, Thép Thái Nguyên tăng đồng loạt các loại thép trơn CB240, thép thanh vằn CB300, CB400 và CB500 từ 12/1.

Sau điều chỉnh, giá thép xây dựng của thương hiệu này đều vượt 15 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế VAT). Như thép trơn CB240 tăng lên 15,4 triệu đồng một tấn, thép thanh vằn CB300 là 15,75 triệu đồng, còn thép vằn CB400 dao động 15,45-15,65 triệu đồng một tấn, tuỳ đường kính 10 mm hay 14 mm.

Trường hợp khách hàng thanh toán chậm có bảo lãnh, giá mỗi tấn thép đắt thêm 1,2 triệu đồng, chưa gồm thuế VAT.

Có mức tăng cao nhất lần này là Thép Việt Đức, 210.000 đồng một tấn, đưa thép cuộn CB240, thanh vằn CB300 D10 (đường kính 10mm) lần lượt lên mức giá 14,7 và 14,9 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế).

Giống các lần tăng giá trước, lý do được các bên đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng. Như vậy, đây là lần tăng giá thứ hai trong nửa đầu tháng 1, đưa giá thép tại các doanh nghiệp lên sát 15 triệu đồng, thậm chí có đơn vị đã vượt 15 triệu đồng. Giá hiện tại cách mức đỉnh 18,3 triệu đồng một tấn hồi tháng 5/2021 trên 3 triệu đồng.

Theo các đại lý kinh doanh, giá thép khả năng còn tăng nữa trong bối cảnh giá thế giới vẫn đi lên, nguyên vật liệu sản xuất chính như quặng sắt, chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. Giá thép giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải kết thúc phiên tuần này lên mức hơn 4.140 nhân dân tệ một tấn, tăng 32 nhân dân tệ so với phiên trước đó.

Hai tháng qua, giá quặng sắt - nguyên liệu chính sản xuất thép - cũng tăng 40%, phần lớn do kỳ vọng của các nhà đầu tư với động thái mở cửa, phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng...

Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với 2022. Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định, khi quốc gia này mở cửa trở lại và đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản.

Nhưng tựu chung lại, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm nay.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2023. Ảnh minh hoạ

Để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Thủ tướng, tiếp tục thực hiện chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2023. Mức giảm này tương đương 2 năm gần đây.

Nhắc đến vùng “đất Ngọc” Lục Yên, người ta thường nhớ đến mảnh đất nhiều đặc sản ẩm thực nức tiếng như: cam sành, khoai tím, cà giòn, vịt bầu, đặc biệt là đặc sản gà trống thiến ở các xã: Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mai Sơn… thơm ngon nổi tiếng khắp vùng.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh (người thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công trình vi phạm xây dựng nhà trái phép trên đất rừng sản xuất tại thị trấn Yên Bình.

Với tinh thần "không có vùng cấm”, "không có ngoại lệ”, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, xây dựng lộ trình, thực hiện nghiêm các nội dung kết luận sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, huyện Yên Bình kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm và xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có biểu hiện xuê xoa, né tránh, buông lỏng quản lý trong việc quản lý đất đai...

Mô hình chăn nuôi dê của hộ ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, huyện Văn Yên được giao tổng nguồn 203,976 tỷ đồng.Những dự án được triển khai trong năm 2022 đã góp phần động viên đồng bào DTTS ở các địa phương trong huyện tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục