Đầu năm 2023, chúng tôi có dịp trở về huyện Trấn Yên - huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái cũng như của vùng Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Không chỉ tập trung duy trì, nâng cao các tiêu chí NTM, Trấn Yên còn đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới nhằm gắn kết các hộ sản xuất nhỏ và nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị (CGT).
Tại xã Cường Thịnh đã có 186 hộ trồng cây lá khôi nhung với tổng diện tích gần 45 ha. Xã đã thành lập 9 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã trồng cây dược liệu và thu mua sản phẩm lá khôi nhung. Huyện Trấn Yên hiện tại đã có trên 110 ha cây khôi nhung, tập trung tại các xã: Cường Thịnh, Minh Quán, Hòa Cuông, Báo Đáp, Việt Hồng...
Xác định xây dựng CGT nông nghiệp giúp các khâu sản xuất liên kết với nhau để tăng sức cạnh tranh và giá trị cho nông sản, Trấn Yên đã tập trung xây dựng và đến nay là một trong những huyện dẫn đầu về thực hiện các dự án liên kết theo CGT.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Huyện Trấn Yên đã và đang chỉ đạo các ngành trong khối nông nghiệp, lực lượng khuyến nông phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây khôi nhung, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa tập trung, tạo tính bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất…”.
Hiện nay, Yên Bái đã hình thành một số CGT điển hình như: chè xanh Trấn Yên, bưởi Trấn Yên, Dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn với tiêu thụ sản phẩm sắn gắn với canh tác bền vững trên đất dốc; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn với tiêu thụ sản phẩm cá tầm thương phẩm…
Cùng với đó, Yên Bái thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo CGT bao gồm: hỗ trợ xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ chi phí đánh giá cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho vùng nguyên liệu và sản phẩm; hỗ trợ thiết kế tem, nhãn mác, bao bì, chứng nhận OCOP…
Từ năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có 39 dự án liên kết sản xuất theo CGT. Một số dự án tiêu biểu dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Dự án liên kết đầu tư xây dựng vùng sản xuất cam an toàn đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ huyện Lục Yên; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi thương phẩm Quy Mông; các dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới (lê, hồng không hạt Fuyu) tại xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Púng Luông, huyện Mù Cang Chải…
Từ việc hình thành CGT đã giúp nhiều địa phương đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, tăng tính liên kết giữa các chủ thể trong liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân được chú trọng… Đặc biệt, bước đầu đã giải quyết vấn đề quy mô sản xuất manh mún, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông sản theo CGT.
Thành Trung