Xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm trong công tác ngoại giao, có vai trò quan trọng, tiên phong trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sự tự chủ, chủ động của tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế, tỉnh thường xuyên duy trì, mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác nước ngoài trên tinh thần chủ động, tích cực; tranh thủ tối đa, tận dụng lợi thế các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy các nội dung, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu hợp tác và ưu tiên lợi ích của tỉnh.
Năm 2022, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện trong nước và nước ngoài; đón 7 đoàn (64 người nước ngoài) đến làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, khảo sát...
Những chuyến thăm, làm việc đó đã thực sự tạo xung lực mới trong quan hệ với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như: Tập đoàn Erex (Nhật Bản) đã nhiều lần làm việc với tỉnh về xây dựng dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra lợi ích kinh tế lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự kiến, Dự án điện sinh khối tại Cụm công nghiệp Đông Cuông, huyện Văn Yên có công suất 75 MW, tổng mức đầu tư trên 4.700 tỷ đồng với thiết bị hiện đại của Nhật Bản sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 3/2023 sau khi được cấp chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh chủ động và đổi mới phương thức vận động các nguồn vốn nước ngoài; tích cực vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; chủ động mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học - công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trên địa bàn.
Năm qua, tỉnh đã cấp mới cho 3 dự án FDI với tổng số vốn 6,61 triệu USD, tương đương khoảng 157 tỷ đồng; vận động viện trợ 2 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với tổng mức đầu tư 85,542 triệu USD, tương đương 1.984,45 tỷ đồng; phê duyệt, tiếp nhận mới 21 chương trình, dự án NGO.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Yên Bái cũng đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 21/3/2022 về Kế hoạch hội nhập quốc tế tỉnh. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do; đa dạng hóa các hình thức, kênh thông tin phù hợp để thông tin phổ biến sâu rộng cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đồng thời, gắn kết, trao đổi thông tin với người dân, doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường xuất khẩu. Công tác phối hợp với các tổ chức nước ngoài để phát triển kinh tế địa phương, giới thiệu và đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng được đẩy mạnh.
Nhờ đó, nhiều mặt hàng của tỉnh không chỉ có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế như: các sản phẩm nông - lâm sản, may mặc, bột đá, hạt nhựa, chất dẻo..., tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 297 triệu USD, vượt 6% so với kế hoạch đề ra, tăng 31% so với năm 2021.
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế với phương châm "Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”, từng bước đưa Yên Bái vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực.
Hoài Anh