Sản xuất nông nghiệp hướng tới thị trường
- Cập nhật: Thứ hai, 1/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 365 ngày qua, sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái đã gặt hái nhiều thành công. Lúa, ngô, khoai, sắn, chè, quế, rừng đều được mùa, được giá. Tổng sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục: 213.700 tấn; an ninh lương thực vùng cao đảm bảo, vùng thấp đã có lúa, gạo hàng hoá bán trên thị trường. Cây chè phát huy thế mạnh của mình, đã và đang thực sự là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Những kết quả đó thật đẹp và vui, nhưng vui hơn cả là nông dân Yên Bái đã biết sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng thị trường.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu giống phù hợp, sản xuất nông nghiệp Yên Bái liên tục giành thắng lợi.
|
Bước vào vụ sản xuất nông - lâm nghiệp 2006 với bao khó khăn, bởi dấu tích của sự tàn phá do lũ lụt năm 2005 vẫn chưa khắc phục xong; thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, giá cả vật tư phân bón tăng đột biến. Càng khó khăn hơn khi thị trường nông sản như: lúa, gạo, sắn, chè, quế đầy biến động. Chăn nuôi gia súc, gia cầm lao đao, đại dịch H5N1 đối với gia cầm chưa hết lại đến dịch lở mồm long móng ở gia súc... Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp, các huyện thị cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân vẫn làm nên một năm sản xuất thành công. Sản xuất lương thực đã đạt năng suất cao, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn có sản phẩm hàng hóa với khối lượng lớn. Trong nội ngành sản xuất đã có sự phát triển cân đối giữa chăn nuôi - trồng trọt, đồng thời tăng những diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi theo hướng tăng giá trị thu nhập và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích đầu tư của tỉnh là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất. Công tác chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất được chú trọng ngay từ đầu vụ, cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng cũng như phong tục tập quán địa phương cụ thể; đưa các giống lúa mới và lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất, tỷ lệ sử dụng lúa lai đạt 71,5% (vụ xuân 72,2%, vụ mùa 68,7%), diện tích gieo cấy bằng giống lúa thuần chất lượng cao đạt 20,2%. Cùng với chuyển dịch cơ cấu giống, nông dân thực hiện tốt đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng các loại cây giá trị kinh tế cao như đậu tương, lạc trên đất ruộng một vụ ở vùng cao, chuyển đổi vườn tạp sang trồng tre măng Bát Độ, chuyển ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Khi có điều kiện huyện Trấn Yên là một điển hình trong sản xuất theo hướng hàng hóa. Nông dân các xã: Hợp Minh, Giới Phiên, Nga Quán, Minh Quán... đã ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích hàng trăm ha. Trong sản xuất kinh doanh chè, bà con đã đầu tư hàng tỷ đồng chuyển đổi, trồng thay thế diện tích chè giống cũ bằng giống mới, đáp ứng cho sản xuất chế biến lại tăng giá trị. Hàng ngàn ha chè giống mới ở Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên đã cho thu hoạch với giá 10 ngàn đồng một kg búp nguyên liệu, cao gấp 5 lần chè giống cũ. Những sản phẩm chè: “Chè đặc sản Bát Tiên”, “Chè Ô Long” do chính nông dân Yên Bái sản xuất, chế biến có giá hàng trăm ngàn đồng 1kg đã có mặt ở các thị trường ngoài nước. Đó chính là một thành công! Chương trình chăn nuôi bò bán công nghiệp đang được triển khai rộng rãi trong dân và đã có hàng trăm hộ dân có đàn bò lên đến hàng trăm con. Bốn ngàn hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ mua bốn ngàn con bò sinh sản và nhiều nguồn vốn vay khác giúp các hộ có cơ hội thoát nghèo.
Một trong những định hướng sản xuất nông-lâm nghiệp năm 2007 là đẩy mạnh sản xuất theo hướng thị trường, lấy hiệu quả kinh tế trên mỗi ha canh tác làm thước đo. Trong sản xuất lương thực, tăng tỷ lệ giống lúa lai ở vùng cao, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, vùng thấp đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất hàng hoá gắn với chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản ký kết hợp đồng trực tiếp với người dân sản xuất lúa gạo chất lượng cao, tạo khối lượng hàng hóa lớn. Cây ngô, đậu tương, sắn sẽ tiếp tục đưa giống lai vào sản xuất nhằm tăng năng suất sản lượng cho chế biến nông sản phục vụ chăn nuôi, xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện “Đề án phát triển chè” của tỉnh đến năm 2010, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng búp, đổi mới dây chuyền, cơ sở chế biến, chuyển chế biến chè thô sang chế biến chè tinh, chè xanh đặc sản. Tiếp tục trồng mới, trồng thay thế chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội, tiến tới xây dựng vùng chè sinh học an toàn. Đẩy mạnh chăn nuôi bò bán công nghiệp (mua mới từ 1000-1500 con), chú trọng chất lượng bò giống và hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi, cùng với trồng cỏ và làm chuồng trại. Quy hoạch diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và đưa vào thay thế bằng các loại cây ưa cạn có giá trị kinh tế cao. Trong trồng rừng, ngoài những diện tích rừng phòng hộ, đẩy mạnh trồng rừng kinh tế bằng giống tiến bộ, nhất là chương trình trồng rừng kinh tế miền Tây. Nhà máy chế biến măng tre Bát Độ cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa vào hoạt động nhằm thu mua hết nguyên liệu cho dân. Một vấn đề được tỉnh và ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng quan tâm là khâu thiết kế, quy hoạch vùng cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế từng vùng.
Với nền tảng hiện tại và hướng đi đó, cách làm đó, chúng ta đặt niềm tin rằng, sản xuất nông-lâm nghiệp Yên Bái năm 2007 lại tiếp tục gặt hái những thành công!
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Vừa khắc phục hậu quả lũ quét cuối năm 2005, lại phải đối mặt với khó khăn nợ đọng vốn, nhưng bằng giải pháp sát thực và quyết tâm cao, hết năm 2006 ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái vẫn đạt tổng giá trị sản lượng 136 tỷ 188 triệu đồng. Nhiều công trình giao thông được mở mới đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ, từng bước đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.
YBĐT - Trong thời kỳ hậu hội nhập WTO, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái nghĩ gì, làm gì để doanh nghiệp đứng vững và phát triển, để không thể bị chìm khi bơi ra "biển lớn" WTO?