Điện về Tân Phượng

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phải đến lần thứ ba tôi mới đến được Tân Phượng, một xã vùng 3 của huyện Lục Yên. Từ thị trấn Yên Thế đến Tân Phượng chỉ hơn 30km nhưng phải vượt qua con đèo quanh co dốc đá nghiêng nghiêng. Những tảng đá trên cao cứ như sắp rơi xuống đường, phải mất hơn 2 giờ chiếc xe U-oát mới đưa đoàn công tác của Điện lực Yên Bái đến được trung tâm xã, con đường nhầy nhụa bùn đất bởi cơn mưa đêm trước.

Tân Phượng - xã cuối cùng của huyện Lục Yên được đón dòng điện lưới quốc gia.
Tân Phượng - xã cuối cùng của huyện Lục Yên được đón dòng điện lưới quốc gia.

Tân Phượng là xã giáp ranh huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang, có diện tích tự nhiên 4.210 ha, phần lớn là đồi rừng, chỉ có 177 ha diện tích canh tác. Dân số có 1.433 người gồm 245 hộ, năm dân tộc anh em sống quần tụ bên nhau bao gồm người Dao, Tày, Mường, Kinh và Cao Lan, trong đó người Dao chiếm đa số. Đời sống kinh tế chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và trồng rừng. Ngoài ra, cây chè cũng là một trong những nguồn thu nhập khá cho người dân. Huyện Lục Yên có 26 xã thì 25 xã có điện từ mấy năm trước, chỉ còn duy nhất Tân Phượng chưa có nên nhiều dự án xây dựng cơ sở chế biến chè, chế biến gỗ, thủy lợi, xay xát… đều chỉ nằm trong dự định.

 

Muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa nhân dân phải đưa điện về trước, đó là chủ trương của Ngành điện và Điện lực Yên Bái. Điện lực Yên Bái đã tham mưu, đề xuất với Công ty Điện lực I, UBND tỉnh Yên Bái triển khai đưa điện về Tân Phượng bằng nguồn vốn vay của tổ chức Ngân hàng thế giới. Công trình đưa điện về xã Tân Phượng bao gồm tuyến dây 35KV dài 11,5 km điểm đấu nối từ xã Lâm Thượng, 2 trạm biến áp 35/0,4KV công suất mỗi trạm 50KVA và 4 tuyến đường dây hạ áp chiều dài 8,9 km với 199 công tơ, tổng số vốn đầu tư cho công trình hơn 1,5 tỷ đồng. Công trình điện về Tân Phượng được Công ty lắp máy COMA - 7 thi công từ năm 2004, nhưng trục trặc do thiếu vốn, thiếu vật tư đã làm cho tiến độ thi công bị chậm lại nhiều so với kế hoạch. Điện lực Yên Bái đã cử cán bộ đến cùng đơn vị thi công và địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, việc giải phóng hành lang được nhân dân ủng hộ nhiệt tình bằng việc cho chặt cây hoặc di chuyển nhà cửa trong hành lang trước, sau đó mới nhận tiền đền bù. Nhân dân giúp đơn vị thi công ngày công đào hố móng cột, vận chuyển cát sỏi, vật tư… Sự phối hợp giữa Điện lực Yên Bái với chính quyền địa phương và nhân dân Tân Phượng đã mang lại hiệu quả lớn. Sau một thời gian thi công công trình đưa điện về Tân Phượng đã hoàn thành. Trạm biến áp Khe Pháo - trạm trung tâm xã là trạm đầu tiên hoà vào lưới điện quốc gia. Ngày đóng điện như một ngày hội lớn của cả xã. Các cụ ông, cụ bà người Dao, Tày, Cao Lan… được con cháu đưa đến dự lễ khánh thành đóng điện, để xem "cái điện" nó như thế nào mà gần trọn cả đời chưa được biết.

 

Ánh sáng trắng của bóng đèn cao áp vừa được dựng vội trước sân UBND xã lúc chiều hôm đã lan tỏa khắp sân. Chiếc ti vi SamSung 21 inch đặt trong hội trường đã thu tín hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam đang phát một ca khúc ngợi ca Tổ quốc. Xúc động và chan chứa niềm vui, một cụ ông người dân tộc Dao hơn 80 tuổi, nghẹn ngào nói: "Cái điện đã về với người Dao rồi, ơn Đảng và chính phủ nhiều lắm!". Trong tiếng hát và nhịp múa của các thiếu nữ Dao, Chủ tịch UBND xã Triệu Tiến Tiên nói: "Có điện về, những chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã sẽ sớm được thực hiện, đời sống của người dân sẽ được thay đổi nhiều lắm đấy!".

 

Đúng như lời anh Tiên nói có điện, có đường Tân Phượng sẽ cất cánh bay lên tiến kịp các địa phương khác. Một ngày gần nhất viễn thông điện lực EVN Telecom sẽ phủ sóng đến các bản làng người Dao, Tày, Cao Lan của Tân Phượng. Điện lực Yên Bái đang nỗ lực cùng các ngành thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tạo sự công bằng xã hội ở tỉnh Yên Bái.

 

Nguyễn Trung Cao

Các tin khác
Được mùa chè. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên xã Tú Lệ (Văn Chấn) dài quãng năm sáu chục cây số. Nhưng cách đây mấy năm, khi tuyến đường này chưa được nâng cấp thì lên Tú Lệ bằng xe khách phải đi mất vài tiếng đồng hồ. Ai đã từng đi xe khách lên đây vào thời kỳ ấy, hẳn không thể nào quên được hình ảnh xe chạy cứ lắc lư, ì ạch và trong khoang xe tựa như thùng bụi.Và người ta càng cảm thấy buồn và mệt mỏi hơn khi đằng đẵng đi qua các xã: Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Búng đến Tú Lệ thì họa hoằn mới thấy vài bóng người qua lại hoặc một chiếc ô tô hiếm hoi chạy ngược chiều.

Hợp tác xã Hoàng Thắng (Văn Yên) là đơn vị sản xuất, kinh doanh giỏi trong khối các HTX.

YBĐT - Mới đây, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh Yên Bái.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu giống phù hợp, sản xuất nông nghiệp Yên Bái liên tục giành thắng lợi.

YBĐT - 365 ngày qua, sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái đã gặt hái nhiều thành công. Lúa, ngô, khoai, sắn, chè, quế, rừng đều được mùa, được giá. Tổng sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục: 213.700 tấn; an ninh lương thực vùng cao đảm bảo, vùng thấp đã có lúa, gạo hàng hoá bán trên thị trường. Cây chè phát huy thế mạnh của mình, đã và đang thực sự là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Những kết quả đó thật đẹp và vui, nhưng vui hơn cả là nông dân Yên Bái đã biết sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng thị trường.

Cầu Văn Phú nối liền hai bờ sông Hồng.
(Ảnh: Đức Nhạ)

YBĐT - Vừa khắc phục hậu quả lũ quét cuối năm 2005, lại phải đối mặt với khó khăn nợ đọng vốn, nhưng bằng giải pháp sát thực và quyết tâm cao, hết năm 2006 ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái vẫn đạt tổng giá trị sản lượng 136 tỷ 188 triệu đồng. Nhiều công trình giao thông được mở mới đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ, từng bước đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục