Văn Chấn qua một mùa chè bội thu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tuy đã vào cuối vụ chè nhưng đi trên các bản, làng của Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An, Suối Giàng... luôn bắt gặp những vẻ mặt rạng ngời phấn khởi của bà con nông dân sau một vụ chè bội thu. Bỏ qua khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nông dân Văn Chấn vẫn làm nên một vụ chè thành công trên cả hai lĩnh vực từ năng suất đến sản lượng.

Chè cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn).
Chè cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn).

Niên vụ chè 2006 được dự báo là năm sản xuất đầy khó khăn, khí hậu thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài kèm theo cả gió Lào, giá vật tư phân bón tăng cao, thị trường tiêu thụ chè thành phẩm không ổn định... Lường trước những khó khăn đó, ngay từ cuối năm 2005, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng chè. Đồng thời, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phối hợp cùng cán bộ khuyến nông xuống từng hộ làm chè hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái. Dẫu giá vật tư có tăng hơn, song bà con vẫn bón phân cân đối, nhiều hộ nông dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng phương thức thâm canh chè sạch (IPM) năng suất đã đạt bình quân 65-70 tạ/ha, nhiều diện tích đã đạt 9-10 tấn/ha. Anh Nguyễn Hợp Đoàn-Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: "Người làm chè Văn Chấn hôm nay đã ý thức hơn việc trồng, chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật tạo năng suất cao, phát triển bền vững. Dù giá chè cao là vậy (2.000-2.200 đồng/kg) nhưng bà con vẫn thu hái đúng phẩm cấp, kỹ thuật chứ không chạy theo số lượng. Hiện tượng  dùng liềm cắt búp chè như những năm trước tuy vẫn còn, song không phổ biến như trước. Đó được coi là thành công nhất trong công tác chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển nghề chè". Trên các đồi chè, người nông dân vẫn mải mê thu hái nốt những lứa chè cuối vụ.

 

Chị Hà Thị Thoa - thị trấn Nông trường Liên Sơn hồ hởi nói với chúng tôi: "Nhờ đầu tư phân bón hợp lý diện tích chè của gia đình cũng như bà con trong thị trấn sinh trưởng, phát triển tốt. Giá thu mua của doanh nghiệp, tư thương khá cao, bình quân từ 2300 - 2500 đồng/kg mà còn không có chè để bán, cuộc sống người làm chè cũng tạm ổn". Giá thu mua chè của các doanh nghiệp ổn định, cơ chế thu mua thông thoáng hơn, cảnh ép cấp, ép giá đã không còn diễn ra như vài năm trước. Các doanh nghiệp còn đến tận đồi chè của từng hộ gia đình thu mua và thanh toán tiền ngay. Những diện tích chè cải tạo bằng giống chè lai, chè nhập nội cũng đã cho thu hoạch năng suất khá cao, giá thu mua một kg chè giống nhập nội dao động từ 9-10 ngàn đồng/kg, chè Shan vùng cao 4 ngàn đồng/kg. Bí thư Huyện ủy Ngô Ngọc Tuấn phấn khởi nói: "Năm nay là lần đầu tiên năng suất chè bình quân toàn huyện đạt 70 tạ/ha, sản lượng chè đạt gần 30 ngàn tấn. Chỉ tính giá bình quân 2 ngàn đồng/kg cũng đem về cho người làm chè 60 tỷ đồng và đó được coi là con đường xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là năm đầu tiên tại "thủ phủ" của cây chè có doanh nghiệp sản xuất chế biến chè nộp ngân sách trên một tỷ đồng". Vừa đẩy mạnh sản xuất chè búp tươi, huyện còn tiến hành rà soát lại hết các cơ sở sản xuất chế biến chè, phát hiện và xử lý 5 cơ sở vi phạm sử dụng đất đai không đúng mục đích; vận động các cơ sở sản xuất, chế biến chè an toàn vệ sinh công nghiệp, nâng cao chất lượng chế biến, từng bước xây dựng thương hiệu chè Văn Chấn.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, sản xuất, chế biến chè ở đây vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong khâu chế biến. Ông Ngô Ngọc Tuấn bộc bạch: "Sản xuất chè nguyên liệu đã và đang đi vào nề nếp, nhưng khâu chế biến vẫn còn nhiều khó khăn, các cơ sở chế biến quá nhiều và có tổng công suất 80 nghìn tấn/năm, vượt gần ba lần khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu dẫn tới tình trạng cạnh tranh mua bán thiếu minh bạch". Nguy hại hơn là công nghệ chế biến của hầu hết các cơ sở lạc hậu không đủ khả năng sản xuất chè tinh, chè chất lượng cao mà chỉ sản xuất chè bán thành phẩm làm giảm giá trị, mất thương hiệu chè Văn Chấn vì vệ sinh công nghiệp yếu kém. Thực hiện đề án phát triển chè của tỉnh, huyện đang tiến hành xây dựng lộ trình phát triển chè, sắp xếp lại các cơ sở chế biến cho phù hợp từng vùng nguyên liệu; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến chè chất lượng cao, kiên quyết không cho hoạt động các cơ sở chế biến không đạt tiêu chuẩn; đẩy mạnh tiến độ trồng cải tạo thay thế diện tích chè già cỗi bằng những giống chè nhập nội, nâng cao chất lượng búp đáp ứng cho chế biến, nhất là chè đặc sản". Đó là hướng đi trong sản xuất chế biến chè của Văn Chấn. Song, huyện cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở chế biến bởi sự phân cấp quản lý bởi huyện chỉ kiểm tra về giấy phép đầu tư, sử dụng đất đai, giấy phép sản xuất kinh doanh...nhưng khâu vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm thì địa phương lại không có chức năng. Do vậy, để vùng chè Văn Chấn thực sự phát huy hết hiệu quả cần có sự vào cuộc của tỉnh và các ngành chức năng.              

 

 Thanh Phúc

Các tin khác
Chăm sóc hoa công nghệ cao.

YBĐT - Năm 2004, Tổng công ty Hoà Bình Minh triển khai dự án trồng hoa công nghệ cao tại xã Tuy Lộc. Đến năm 2006 thuê được 8,6 ha đất, Tổng công ty đã trồng được 5,3 ha, còn 3,3 ha đang cải tạo để trồng hoa vào vụ xuân 2007.

YBĐT - Vụ đông năm nay, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Đạt trồng thử nghiệm 4,5 ha củ cải đường xuất khẩu.

Một góc khu mỏ đá Mông Sơn.

YBĐT - Cuối tháng chạp, trời bỗng nắng to, cái nắng cuối đông khiến người ta thích thú bởi nó xóa đi tiết trời u ám, cảnh sắc hiu quạnh và cái rét cắt da, thay vào đó là sắc vàng của nắng, sắc xanh của cây và nét mặt tươi vui, ấm áp của mọi người.

Những năm gần đây, Tân Đồng đã đưa 70% cơ cấu giống lúa lai vào sản xuất.

YBĐT - Những ngày cuối năm, chúng tôi lại có dịp về xã vùng cao Tân Đồng, cách trung tâm huyện Trấn Yên gần 20 cây số. Tân Đồng có 8 thôn 728 hộ, 3.475 nhân khẩu. Trong đó 3 thôn: Khe Loóng, Khe Đát, Phúc Lương thuộc diện đặc biệt khó khăn 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục