Chuyện từ vùng mỏ Mông Sơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cuối tháng chạp, trời bỗng nắng to, cái nắng cuối đông khiến người ta thích thú bởi nó xóa đi tiết trời u ám, cảnh sắc hiu quạnh và cái rét cắt da, thay vào đó là sắc vàng của nắng, sắc xanh của cây và nét mặt tươi vui, ấm áp của mọi người.

Một góc khu mỏ đá Mông Sơn.
Một góc khu mỏ đá Mông Sơn.

Tôi xuống tầu từ cảng Hương Lý để ngược Mông Sơn (Yên Bình) -  một vùng mỏ đang chuyển động, tiềm năng khoáng sản đang được khai thác để sản xuất ra những mặt hàng có giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Con tầu nổ máy, nhẹ nhàng lướt sóng. Tiếng động cơ nổ đều đều. Thi thoảng lại xuất hiện một tầu chở đầy đá rẽ sóng chạy ngược chiều,  khiến chiếc tầu chở khách đi bên khẽ tròng trành . Khung cảnh ấy khiến con người dễ hoà mình vào nắng, gió, trời, nước Thác Bà. Đang đắm mình vào trời nước, cậu thanh niên ngồi cạnh cất tiếng hỏi: “Anh là nhà báo về mỏ đá Mông Sơn viết bài à?”. Tôi gật đầu. Thấy vậy, người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi ngồi kế bên lên tiếng: “Mông Sơn bây giờ tấp nập lắm, như một đại công trường, phải gọi nó là “vùng mỏ” mới đúng”. Rồi ông kể, gia đình ông chuyển lên Mông Sơn từ khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện. Biết bao nhiêu năm dãy núi đá Mông Sơn xám xịt, khô khốc đứng lừng lững, chiếm đến gần nửa diện tích toàn xã. Bao nhiêu năm, núi đá như con quái vật án ngữ con đường làm ăn của dân làng, chẳng trồng cấy được gì. Sáng ra mở cửa là nhìn thấy núi, chiều chiều bắt con tôm, con cá ngoài hồ lại men theo vệ núi mà về. Người Mông Sơn nghèo mãi vì ít ruộng mà chẳng có nghề phụ, nghèo nhất là làng bố con ông ở vì đã ít ruộng mà hạn hán liên miên, dưới chân núi đá thì làm gì có nguồn sinh thuỷ. Và làng ông có tên là làng Cạn từ ấy.

 

Câu chuyện nghèo của ông già đồng hành chắc sẽ còn dài mãi; những người đầu tiên chọn mảnh đất cằn dưới chân núi Mông Sơn làm nơi lập nghiệp đã chịu sức nặng ngàn cân của núi đá đè lên đôi vai gầy. Đến thế hệ thứ hai như Phạm Văn Hiển (tên người thanh niên đi cùng) trưởng thành dưới chân núi Mông Sơn thì câu chuyện đã khác. Đó là khi tỉnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp khai khoáng gắn với sản xuất và chế biến; dãy núi Mông Sơn như bừng tỉnh vì đó là nguồn đá vôi trắng để sản xuất xi măng và nghiền bột siêu mịn Các bon nát can xi, giống như cô Lọ Lem bỗng hoá thân thành nàng công chúa trong bộ váy trắng tinh khiết. Nhận định này đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

 

Khi tiềm năng được khai thác, khi mà những tảng đá khô cằn, sắc nhọn trở thành nguyên liệu quý cho sản xuất thì những nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài đã tìm về Yên Bái, lặn lội lên Mông Sơn. Thật chẳng ngờ, một đại gia, một tổng giám đốc trong nước hay một anh Tây nói tiếng Việt còn ngọng líu mà công bố với mọi người đã được Nhà nước, tỉnh cấp cho một mỏm núi ở Mông Sơn với vẻ đầy tự hào. Đến nay, mỏ đá vôi trắng Mông Sơn đã được cấp phép khai thác cho bốn doanh nghiệp gồm: Công ty Xi măng Yên Bái, Liên doanh đá vôi YBB, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình và HTX Mông Sơn với trữ lượng hàng chục triệu tấn; sản lượng khai thác mỗi năm hàng nghìn mét khối. Theo ông Nguyễn Văn Lịch - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Bí thư Huyện ủy Văn Yên) thì đá Mông Sơn là một trong những loại đá quý hiếm, độ trắng rất cao có thể chế biến thành bột siêu mịn làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác như hoá mỹ phẩm, giấy, sơn… Số đá màu, vỉa được dùng cho hai nhà máy xi măng công suất trên một triệu tấn/năm.

 

Cảng đá Mông Sơn.

Vùng núi Mông Sơn tĩnh mịch ngày nào bỗng trở nên nhộn nhịp, tiếng mìn phá đá ầm ầm, tiếng máy khoan, máy xúc ồn ã suốt đêm ngày và hàng trăm tầu thuyền xếp hàng tại cảng chờ ăn đá. Mỏ Mông Sơn thu hút trên 700 lao động mỗi ngày. Màu núi xám xịt sau khi bóc lớp vỏ đã chuyển thành trắng xoá, tiềm năng khoáng sản được khai thác thực sự là cơ hội lớn cho Mông Sơn. Với 50% phí môi trường để lại cho địa phương, ngân sách xã năm 2006 này đã có hơn nửa tỷ bạc. Với người dân cơ hội còn lớn hơn rất nhiều. Đồng chí Đinh Hùng Vỹ - Bí thư Đảng uỷ xã Mông Sơn cho biết: Mông Sơn có tới 300 lao động làm việc tại mỏ và hàng trăm người làm dịch vụ hậu cần khác; nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư mua ô tô, máy xúc, tầu thuyền làm dịch vụ khai thác vận chuyển đá; kinh tế Mông Sơn ngày càng đi lên có sự đóng góp đáng kể từ tiềm năng khoáng sản được khai thác.

 

Trở lại câu chuyện của anh thanh niên Phạm Văn Hiển. Học xong phổ thông, Hiển đi học nghề lái xe và vào mỏ làm việc. Nghề lái xe tải cũng chẳng nhàn hạ gì nhưng làm việc ngay trong mỏ chẳng phải ăn đường ngủ chợ mỗi tháng cũng có thu nhập 1,6 đến 1,7 triệu đồng, khoản tiền đáng kể để chi tiêu và tích lũy cho những dự định trong tương lai. Cơ hội của Hiển, của hàng trăm lao động khác trong xã, trong tỉnh có được việc làm và thu nhập khi tiềm năng khoáng sản được đánh thức góp phần đưa nền công nghiệp Yên Bái “đột phá và tăng tốc” từ một trong những “mũi nhọn” là khai thác và chế biến khoáng sản.                             

 

Lê Phiên

Các tin khác
Những năm gần đây, Tân Đồng đã đưa 70% cơ cấu giống lúa lai vào sản xuất.

YBĐT - Những ngày cuối năm, chúng tôi lại có dịp về xã vùng cao Tân Đồng, cách trung tâm huyện Trấn Yên gần 20 cây số. Tân Đồng có 8 thôn 728 hộ, 3.475 nhân khẩu. Trong đó 3 thôn: Khe Loóng, Khe Đát, Phúc Lương thuộc diện đặc biệt khó khăn 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Anh Nguyễn Văn Diện (bên phải) đang giới thiệu với khách, cây cam đường canh bán được
3 triệu đồng.

YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) năm nay cam vừa được mùa vừa được giá. Và những ngày cuối năm này, đến thị tứ Ba Khe thường bắt gặp hinh ảnh quen thuộc là rất nhiều xe máy phân khối lớn, ô tô vận tải nhỏ vận chuyển cam.

Năm 2007, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới 15 ngàn ha rừng.

YBĐT - Chỉ cách đây vài năm, việc trồng và phát triển vốn rừng chủ yếu là của các nông lâm trường quốc doanh, còn đối bà con nông dân vẫn không mấy mặn mà, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.

YBĐT - Sau gần 3 năm hoạt động, HTX dịch vụ tổng hợp xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong cơ cấu kinh tế địa phương. HTX chỉ có 20 xã viên, vốn điều lệ 73 triệu đồng. nhưng bằng sự năng động của Ban chủ nhiệm và sự đồng thuận của các xã viên, HTX đã xây dựng cho riêng mình một chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề: dịch vụ kinh doanh điện năng, dịch vụ thủy nông, quản lý chợ, kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản… Những ngành nghề trên, bình quân mỗi năm doanh thu đạt 800 - 1 tỷ đồng, đảm bảo mức lương tối thiểu của xã viên đạt từ 600 - 700.000 đ/tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục