Vui từ tre, sắn quê mình
- Cập nhật: Thứ tư, 10/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tổng giá trị sản lượng năm 2006 của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái lần đầu tiên đạt kỷ lục trên 100 tỷ đồng, đứng đầu khối các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản. Nhờ năng động trong sản xuất kinh doanh, hai sản phẩm chính là giấy đế và tinh bột sắn từ cây nguyên liệu là sắn, tre, nứa, vầu, Công ty đã đem lại niềm vui cho người lao động không chỉ trong doanh nghiệp mà cả những người nông dân một nắng hai sương.
Chuyển giấy vàng mã lên xe chuẩn bị xuất khẩu sang Đài Loan.
|
Tiếng máy phay tre, nứa và seo giấy rào rào ở Nhà máy Giấy Yên Bình và Nhà máy Giấy Minh Quân, tôi phải căng tai mới ghi nhận kịp những thông tin từ anh Trần Công Bình - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc nhà máy: “Cơ chế này không cạnh tranh về giá, tạo quan hệ tốt thì khó sống lắm. Ông tính, giờ phải mua 220 nghìn đồng/tấn tre, nứa, đắt ngang mía rồi mà vẫn mua miễn có lãi. Năm qua, chúng tôi đã mua vào gần 22.000 tấn nguyên liệu. Tại Yên Bái, mua dọc quốc lộ 70 ở các huyện Lục Yên, Yên Bình không đủ; Công ty phải mua cả ở Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ. Dân mình chỉ trông vào rừng, cứ đà này bà con phấn khởi lắm. Chỉ mong sao bà con mình trồng nhiều tre, nứa, đỡ phải mua của tỉnh bạn thì hay biết mấy!”.
Anh nói cũng phải bởi với 3 nhà máy sản xuất giấy đế của Công ty đóng ở Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong đơn vị mà còn cho hàng ngàn lao động xã hội. Nông dân không chỉ có thu nhập từ cây nguyên liệu mà các công việc khác như vận chuyển, bốc xếp cũng tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị Khu Hải Lý - Công nhân tổ KCS, Phân xưởng giấy II Nhà máy Giấy đế Yên Bình đang nhanh tay bên các cỗ máy, ngẩng lên cười: “Bọn em càng cuối năm càng bận, Công ty làm ăn được, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 1,2 triệu đồng/tháng nên phấn khởi làm việc quên cả mệt nhọc”.
Công nhân Nhà máy sắn Văn Yên đóng bao sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu.
Trên sân Nhà máy sản xuất Giấy vàng mã xuất khẩu, những chiếc xe vận tải cỡ lớn đang tấp nập bốc xếp các kiện hàng kịp chuyến giao hàng đầu năm cho khách Đài Loan. Sốt sắng công việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Trương Ngọc Biên đã có mặt tại Nhà máy từ sớm. Chưa khi nào tôi thấy anh vui đến thế. Vừa thấy tôi, anh đã hồ hởi: “Năm nay bọn tôi hoàn thành vượt mức chỉ tiêu rồi: tổng giá trị sản lượng bằng 100 tỷ 300 triệu đồng, bằng 156% kế hoạch. Công ty đã sản xuất và xuất khẩu thành công 9.600 tấn giấy đế và trên 5000 tấn giấy vàng mã sang Đài Loan; trên 7.600 tấn tinh bột sắn đã được xuất gọn ghẽ sang Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu trực tiếp của Công ty đạt 2,7 triệu USD, bằng 135% KH; nộp trên 1tỷ 700 triệu đồng vào ngân sách. Quan trọng hơn cả là sản xuất kinh doanh có lãi, thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, cổ tức đạt 1,35%/tháng”.
Khi hỏi vì sao Công ty có được những thành công ấy, mọi người trong Hội đồng quản trị đều có chung một nhận định: Công ty đã bắt kịp được với cơ chế thị trường. Bên cạnh việc phối hợp tốt với các địa phương qui hoạch phát triển cây nguyên liệu giấy đế và sắn thì việc cạnh tranh về giá trưng thu nguyên liệu vẫn được đặt lên hàng đầu, sẵn sàng chấp nhận thu mua cho nông dân với giá cao nhất, miễn hạch toán có lãi. Không những thế còn bố trí, sắp xếp bộ máy sản xuất một cách hợp lý gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm và giữ chữ tín với bạn hàng.
Vùng sắn Văn Yên những ngày này đang vào mùa thu hoạch. Trên những vạt đồi cao từ Đông Cuông tới Quang Minh rộn rã tiếng cười. Ngừng tay nhổ sắn, anh Hà Văn Kiều - thôn Khe Chàm, xã Đông Cuông tâm sự: “Trước em vất vả lắm, hai
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái kiểm tra tình hình sản xuất ở Nhà máy sản xuất Giấy vàng mã xuất khẩu.
vợ chồng với hai đứa con chỉ trông vào 1 sào ruộng nên chẳng đủ ăn. Nhưng mấy năm gần đây trồng sắn bán cho Nhà máy, đời sống bớt khó khăn. Năm ngoái em trồng 1 ha thu hoạch khoảng 20 tấn bán 400 đồng/kg cũng thu được 8 triệu đồng, nhờ đó có tiền mua thêm cái ti vi. Năm nay em trồng 2 ha, không có gì thay đổi nếu cứ bán cho Nhà máy giá 500 đồng/kg thì cũng phải cầm chắc trên chục triệu đồng. Thôn em, nhiều nhà nhờ có sắn mà mua được xe máy, ti vi, xây được nhà tầng mua được cả xe vận tải làm dịch vụ đấy!”.
Vùng cao Quang Minh - một xã trước đây cũng rất khó khăn giờ đã đổi thay nhiều. Nông dân tấp nập lên đồi thu hoạch sắn. Như Phó chủ tịch UBND xã Triệu Duy Kim trao đổi thì, giờ xã chỉ còn 16% hộ nghèo theo tiêu chí mới. 700 ha sắn năm 2006 cho xã tổng sản lượng 11 nghìn tấn, năng suất bình quân đã đạt 25 - 30 tấn/ha. Nhiều hộ như: Đặng Phúc Vạn, Triệu Thiều Kim, Phường Hữu Phủ, Nông Văn Hải...trồng từ 3 ha trở lên do đầu tư chăm sóc tốt đã có thu nhập lớn, trở nên khá giả. Đến nghe và nhìn, tôi nghiệm thấy một điều là, làm gì nếu hiệu quả, không cần vận động nhiều lắm người dân cũng khắc tự làm. Họ đều có đầu óc tính toán. Chỉ ở xã Quang Minh này thôi từ cuối năm ngoái đến năm nay người dân từ bán sắn đã mua được tới 5 xe vận tải Hoa Mai để chở sắn bán cho Nhà máy.
Nhà máy Sắn Văn Yên những ngày đầu năm đang vận hành hết công suất, xe chở sắn nối đuôi nhau vào xưởng chế biến. Qua anh Nguyễn Chinh - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Nhà máy sắn Văn Yên được biết, năm trước, Nhà máy chỉ thu mua được gần 5000 tấn sắn củ thì năm nay được gần 7.700 tấn. Do giá thu mua luôn sát giá thị trường nên người dân bán sắn cho Nhà máy nhiều hơn. Vì giá dầu FO tăng, để nâng cao hiệu quả sản xuất Công ty đang cải tiến hệ thống sấy bằng than cốc để giảm chi phí sản xuất. Năm 2007 là năm của nhiều dự định lớn: nghiên cứu đầu tư Khu du lịch sinh thái chè Suối Giàng, khách sạn tại trung tâm thành phố Yên Bái, dự án nhà máy cồn và tham gia thị trường chứng khoán. Tôi chợt nhận ra, những dự định mới ấy đã và đang được làm nên từ cây sắn, cây tre, cây nứa...rất thân thuộc với mỗi người dân, với đồi đất quê mình, chỉ cần ở đó có những doanh nghiệp, những con người năng động, sáng tạo biết vượt lên được sóng gió của cơ chế thị trường hay không mà thôi!
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Trời đã vào tháng chạp và vùng Văn Chấn lâu lắm rồi vắng những hạt mưa, nắng hanh cộng với gió heo may khiến người ta dễ nổi da gà. Tiết trời thế này nguy cơ cháy rừng là rất cao và khả năng chữa cháy trở nên rất hạn chế. Hạt trưởng Kiểm lâm Văn Chấn - anh Lê Xuân Kết mở đầu buổi làm việc về công tác giữ rừng trong mùa khô hạn ở Văn Chấn như vậy.
YBĐT - Năm 2006, vượt lên những khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và điều kiện nhân lực, ngành Bưu chính viễn thông (BCVT) Yên Bái đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quản lý chặt chẽ các hoạt động BCVT và công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế đất đai, lao động, đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, tạo tư liệu sản xuất cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn và góp phần vào mục tiêu phát triển đàn bò của tỉnh đến năm 2010 có tổng đàn trên 50 ngàn con, ngày 29-7-2005, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh trong năm 2005-2006.
YBĐT - Xã Cẩm Ân (Yên Bình) có ruộng đất ít, chủ yếu là đồi rừng và có trên 600 hộ, 2.800 khẩu. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xoá đói giảm nghèo cuộc sống của người dân có những đổi thay đáng kể. Lúa ở Cẩm Ân đã cho năng suất cao hơn nhờ đưa các giống lúa mới vào gieo cấy trên toàn bộ diện tích 112 ha.