Để đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Bộ Giao thông Vận tải đã chốt đóng cửa tạm thời sân bay này trong thời gian 8 tháng nhằm thi công các hạng mục.
|
Máy bay phản lực Embraer của hãng hàng không Bamboo Airways tại sân bay Điện Biên.
|
Theo quyết định này, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức tạm đóng cửa từ 0 giờ ngày 15/4 đến 23 giờ 59 ngày 17/12/2023, nhằm triển khai thực hiện các hạng mục của dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam nhất trí về phương án đóng cửa tạm thời Cảng hàng không Điện Biên từ ngày 1/4, tuy nhiên do một số hạng mục không kịp triển khai nên phải hoãn kế hoạch.
Sân bay Điện Biên hiện nay được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Hiện, sân bay này đang khai thác một đường băng dài 1.830m, rộng 30m và ba vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách xây dựng từ năm 2004 có công suất 300.000 người/năm.
Do đường băng ngắn và hệ thống trang thiết bị hạ cánh đơn giản nên sân bay Điện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt loại nhỏ như ATR 72 và máy bay phản lực Embraer 190 (chở tối đa 114 hành khách). Hiện chỉ có VASCO và Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Điện Biên.
Dự án Cảng hàng không Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.
Ngoài ra, sân bay này cũng đc cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Ngày 22/1/2022, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng mức đầu tư là hơn 1.400 tỷ đồng được ACV, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên khởi công.
Ngay từ năm 2019, công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên đã được tỉnh triển khai, đảm bảo tiến độ và phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt của Cảng hàng không Điện Biên.
(Theo Vietnam+)
Chịu áp lực đầu vào, loạt thương hiệu lớn điều chỉnh tăng 150.000 đồng, nâng giá thép cao nhất lên 17,6 triệu đồng một tấn trong khi tiêu thụ giảm mạnh.
Những ngày này, trên các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Yên Bái, một không khí lao động hết sức khẩn trương. Tiếng xe, tiếng máy rầm rập chạy suốt ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ thi công (TĐTC), phấn đấu hoàn thành tiến độ các công trình vượt trước cam kết với chủ đầu tư...
Chủ động, tích cực, nỗ lực, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lục Yên đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đúng quy định, đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Toàn tỉnh Yên Bái có tổng diện tích đất tự nhiên là 689.268 ha; trong đó, diện tích có rừng là 464.008 ha; độ che phủ của rừng đạt 63% và nằm trong 6 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất toàn quốc.