Lương Thịnh trồng dâu nuôi tằm trên đất khó

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2023 | 7:29:12 AM

YênBái - Năm 2021, xã Lương Thịnh được huyện quy hoạch trở thành địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trên cơ sở đó, Lương Thịnh quy hoạch trồng dâu nuôi tằm tập trung tại 5 thôn: Lương Tàm, Liên Thịnh, Lương Môn, Khe Lụa và Khe Bát.

Gia đình anh Hoàng áp dụng nuôi tằm trên khay trượt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Gia đình anh Hoàng áp dụng nuôi tằm trên khay trượt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Được nghe nhiều về lợi ích kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm "nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa”, năm 2019, anh Trần Quốc Hoàng - Phó Bí thư Đoàn xã, Trưởng thôn Lương Tàm, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên đã mạnh dạn chuyển đổi 1 mẫu ruộng 1 vụ kém hiệu quả của gia đình bỏ hoang 4 - 5 năm sang trồng dâu nuôi tằm. 

Đến năm 2020, diện tích dâu bắt đầu cho thu hoạch lá, anh bắt đầu vào nuôi tằm. Do chưa có kinh nghiệm nên sản lượng lá dâu kém, tằm bị bệnh, thêm vào đó giá kén không cao nên đôi khi bản thân anh có nhiều dao động. 


Tuy nhiên, anh Hoàng vẫn tự an ủi: "Đất nhà mình đã chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác nhưng không hiệu quả, dù rằng giá kén tằm có thời điểm 60.0000 đồng/kg, thậm chí là 45.000 đồng/kg, nhưng 15 ngày vẫn cho thu 2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với lúa, ngô, trồng cỏ nuôi đại gia súc”. 

Vì vậy, anh Hoàng tiếp tục mua thêm đất của người dân xung quanh để mở rộng thêm diện tích dâu, đồng thời tham khảo thêm kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm thông qua các lớp tập huấn, tham quan các mô hình ở các xã Việt Thành, Quy Mông, Y Can…

Chia sẻ bí quyết, anh Hoàng khẳng định: "Quy trình kỹ thuật nuôi tằm là yếu tố quan trọng nhất. Để đủ lá cho tằm ăn phải đầu tư phân bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu. Chỗ nuôi tằm phải khô ráo, nền láng xi măng sạch sẽ, xung quanh quây bằng bạt đảm bảo kín gió, được khử trùng. Căn cứ theo sản lượng lá dâu, anh chăn tằm 4 - 5 lần/ngày nên khi thu hoạch, tằm cho kén to, nặng, năng suất cao hơn”.

Ngoài được chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh còn được hỗ trợ tiền làm nhà tằm, né ô vuông, bàn dập kén, 1 dàn khay trượt để nuôi tằm, được tham gia vào Hợp tác xã Dâu tằm tơ Hồng Ca, được tư thương cung ứng con giống và thu mua kén tằm ngay tại nhà. 

Đến nay, diện tích dâu của gia đình lên tới gần 1,5 ha. Với diện tích này, mỗi tháng, gia đình anh Hoàng nuôi được 2 lứa tằm theo hình thức gối vụ, sản lượng bình quân đạt 100 kg/tháng. Giá kén hiện tại là 170.000 đồng/kg, năm nay, anh sẽ thu trăm triệu đồng từ việc trồng dâu nuôi tằm. Mô hình cảu anh Hoàng là mô hình trồng dâu nuôi tằm hiệu quả nhất của xã thời điểm hiện tại.


Năm 2021, xã Lương Thịnh được huyện quy hoạch trở thành địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trên cơ sở đó, Lương Thịnh quy hoạch trồng dâu nuôi tằm tập trung tại 5 thôn, đó là: Lương Tàm, Liên Thịnh, Lương Môn, Khe Lụa và Khe Bát. Đây là những thôn có nhiều diện tích đất lúa thiếu nước, đất soi bãi, chân đồi thấp phù hợp với cây dâu. 

Tuy nhiên, diện tích dâu phát triển chậm. Toàn xã chưa được 10 hộ trồng dâu với diện tích gần 7,5 ha và mới chỉ có 2 hộ bước vào nuôi tằm. 

Chính vì vậy, ngoài việc đưa các hộ tham quan học tập các mô hình trồng dâu nuôi tằm hiệu quả trong và ngoài xã, Lương Thịnh tiếp tục vận động người dân tích cực chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, hoặc cho các hộ có điều kiện hơn thuê đất trồng dâu, tạo thành vùng chuyên canh tập trung, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nhằm đưa nghề trồng dâu nuôi tằm thực sự có hiệu quả. 

Ông Hà Ngọc Tâm - Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh khẳng định: "Diện tích đất lúa thiếu nước tưới tiêu, đất ven suối, đất đồi thấp ở Lương Thịnh là tương đối nhiều. Vì vậy, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trên cơ sở đó sẽ giao cho các đoàn thể chính trị, các chi bộ thôn tích cực vận động người dân trồng dâu nuôi tằm. Mục tiêu của chúng tôi là làm đến đâu hiệu quả đến đó và quyết tâm hình thành vùng trồng dâu tập trung theo hướng hàng hóa, gắn với chuỗi liên kết”.

Thổ nhưỡng, khí hậu ở Lương Thịnh phù hợp với việc trồng dâu nuôi tằm. Thêm vào đó, huyện đã có nhà máy ươm se tơ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, Lương Thịnh tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng dâu, để dâu tằm thực sự trở thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Thanh Hùng (Trấn Yên)

Tags Lương Thịnh Trấn Yên trồng dâu nuôi tằm

Các tin khác
Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú thu hoạch hồng xiêm.

Trước tác động của dịch bệnh vàng lá, thối rễ làm diện tích cam quýt chết hàng loạt, người dân thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn đã chuyển đổi sang nhiều cây trồng khác thay thế cây cam. Trong đó, hồng xiêm xoài là một trong những cây trồng đang mang lại triển vọng lớn cho người dân nơi đây.

Giá vàng tăng.

Sau đợt nghỉ lễ, hôm nay (3-5), giá vàng trong nước tăng 50.000-150.000 đồng/lượng bởi giá kim loại quý thế giới đi lên.

Nông dân xã Hưng Khánh sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng cho sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Trấn Yên đã và đang tiếp tục mở rộng và phát triển sản xuất theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển mạnh sản phẩm OCOP và coi đây là một chương trình kinh tế trọng điểm, xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) toàn diện.

Người dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái nhận vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ trên 13% so với năm 2022, tăng trưởng tối thiểu 550 tỷ đồng (tính cả gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 theo Nghị quyết 11/NQ-CP).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục