Giá lợn hơi giảm, vì sao giá thịt vẫn rất cao?

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2023 | 7:29:16 AM

YênBái - Giá lợn hơi liên tục giảm sâu về mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ vẫn “cố thủ” ở mức cao. Nghịch lý này khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc.

Một quầy bán thịt lợn tại chợ Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Một quầy bán thịt lợn tại chợ Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thu ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình hiện chỉ còn nuôi trên 10 con lợn thịt, giảm hơn nửa so với cùng thời điểm năm 2022. Anh Thu cho biết: "Lúc dịch bệnh bùng phát, giá cám tăng phi mã, giờ giá lợn hơi lao dốc… khiến người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép. Người nuôi nhiều thì lỗ nhiều, người nuôi ít lỗ ít”. 

Hiện nay, gia đình anh vẫn đang còn gần chục con lợn khoảng từ 100 - 110 kg/con. Nếu bán với giá rẻ hiện nay thì lỗ rất lớn, nhưng nếu giữ lại chẳng biết khi nào giá lợn hơi mới tăng, trong khi tiền cám mỗi ngày một nhiều thêm. 

Thời gian tới, nếu giá lợn hơi xuất chuồng vẫn dưới 50.000 đồng/kg thì gia đình anh sẽ tiếp tục giảm đàn, thậm chí bỏ trống chuồng để cắt giảm chi phí đầu vào. 

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân giá lợn giảm là do nhu cầu thị trường giảm liên tục từ những tháng cuối năm 2022, đẩy lượng lợn đến tuổi xuất chuồng của cả doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi lớn và các nông hộ ùn ứ nhiều đến thời điểm này vẫn chưa tiêu thụ hết. 

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu tích cực khiến người chăn nuôi lợn càng thêm khó khăn. Trong khi đó, giá bán thịt lợn ngoài thị trường vẫn không giảm, thậm chí duy trì ở mức cao.

Khảo sát tại các chợ của thành phố Yên Bái như: Hồng Hà, Yên Ninh, Đồng Tâm, Nguyễn Phúc…, giá bán thịt lợn mông 95.000 - 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 100.000 đồng/kg, sườn 90.000 - 95.000 đồng/kg… Giá thịt lợn bán ra vẫn duy trì ở mức cao vì giá tiểu thương nhập từ các đầu mối hoặc các lò giết mổ cung cấp vẫn không giảm nên không thể giảm giá bán. Mặc dù giá lợn hơi giảm sâu, nhưng các cơ sở giết mổ vẫn "cố thủ” mức lãi trên đầu lợn. Tính ra, mỗi đầu lợn hiện nay, các cơ sở giết mổ có lãi khoảng 600 nghìn đồng. 

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của các tư thương và người tiêu dùng hàng ngày không giảm nên các cơ sở giết mổ hoàn toàn chủ động quyết định giá bán. 

Chủ một cơ sở giết mổ ở chợ Yên Ninh cho biết: "Đều đặn mỗi ngày, cơ sở mổ 3 - 4 con lợn để bán tại nhà và cung cấp thịt lợn cho các cá nhân kinh doanh thịt. Giá lợn hơi chỉ 46.000 - 48.000 đồng/kg nhưng còn chi phí vận chuyển, tiền điện, nước, thuê người giết lợn, làm sạch thịt và đảm bảo ngày công lao động nên mỗi đầu lợn vẫn phải "gánh” như trước nên hầu như giá bán thịt lợn vẫn không giảm”. 

Theo đó, mỗi đầu lợn, ngoài phải chịu những chi phí trên vẫn phải bảo đảm "lãi ròng” cho chủ cơ sở giết mổ… Điều này cho thấy, việc tăng hay giảm giá bán thịt lợn trên thị trường hiện nay phần lớn do các chủ cơ sở giết mổ quyết định.

Nói cách khác, giá bán thịt lợn tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ cơ sở giết mổ mong muốn lãi nhiều hay ít. Nghịch lý trên khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc. 

Chị Trần Thị Thúy - người dân ở phường Nguyễn Thái Học than thở: "Ngày nào tôi xem ti vi và đọc báo các phương tiện truyền thông cả nước đều nói giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi thua lỗ. Nhưng mấy tháng nay, tôi không thấy giá lợn thịt ngoài chợ giảm”. 

Trong khi người nuôi lợn chật vật trăm mối lo từ dịch bệnh, chi phí đầu tư, giá thức ăn... tăng cao, giá bán lợn hơi tụt giảm thì ngược lại, những chủ cơ sở giết mổ vẫn ung dung duy trì mức lãi, không chia sẻ khó khăn với người nuôi cũng như người tiêu dùng. 

Thực trạng này cho thấy rõ bất cập trong tổ chức sản xuất và quản lý ngành chăn nuôi. Không chỉ người nuôi nhỏ lẻ nông hộ mà cả đến gia trại, trang trại cũng bị phụ thuộc đầu ra ở các chủ cơ sở giết mổ, không thể quyết định giá sản phẩm mình làm ra, cộng với các sự phụ thuộc khác như thức ăn chăn nuôi... thì việc lãi dồn vào khâu trung gian, chỉ người nuôi và người tiêu dùng thiệt thòi là tất yếu. 

Để giải quyết bất cập này, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi; đồng thời điều chỉnh giá bán thịt lợn một cách hợp lý trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào trong quá trình chăn nuôi, giết mổ.

Quang Thiều

Tags giá thịt lợn thị trường Phú Thịnh huyện Yên Bình

Các tin khác
Gia đình anh Hoàng áp dụng nuôi tằm trên khay trượt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Năm 2021, xã Lương Thịnh được huyện quy hoạch trở thành địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trên cơ sở đó, Lương Thịnh quy hoạch trồng dâu nuôi tằm tập trung tại 5 thôn: Lương Tàm, Liên Thịnh, Lương Môn, Khe Lụa và Khe Bát.

Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú thu hoạch hồng xiêm.

Trước tác động của dịch bệnh vàng lá, thối rễ làm diện tích cam quýt chết hàng loạt, người dân thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn đã chuyển đổi sang nhiều cây trồng khác thay thế cây cam. Trong đó, hồng xiêm xoài là một trong những cây trồng đang mang lại triển vọng lớn cho người dân nơi đây.

Giá vàng tăng.

Sau đợt nghỉ lễ, hôm nay (3-5), giá vàng trong nước tăng 50.000-150.000 đồng/lượng bởi giá kim loại quý thế giới đi lên.

Nông dân xã Hưng Khánh sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng cho sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Trấn Yên đã và đang tiếp tục mở rộng và phát triển sản xuất theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển mạnh sản phẩm OCOP và coi đây là một chương trình kinh tế trọng điểm, xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục