Non xanh phơi phới xuân về

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hoa tớ dày hé nở như những ngọn nến đỏ cài len vào những thảm xanh mùa xuân mới dệt bên đường, những cành sơn tra khô khốc vì đông giá đã bung ra đầy lộc biếc. Từ đỉnh Mý Háng Tâu phóng mắt xuống: bản người Mông định cư đẹp như tranh - bức tranh thủy mặc vùng cao như khắc như tạc. Mùa xuân phơi phới đang về...

Thị trấn Mù Cang Chải hôm nay. (Ảnh: Lê Bác Đạt)
Thị trấn Mù Cang Chải hôm nay. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

Lên tới trạm gác cửa rừng trên đỉnh dốc Nả Háng A, mấy em gái Mông ùa ra, líu ríu ven bờ rào hong đầy váy áo sặc sỡ. Tôi lách qua những ánh mắt, nụ cười như chào như hỏi ấy vào xem Mùa A Di dựng nhà đón Tết. Trên cái nền đất cũ, là nồi bánh to tướng đang sùng sục sôi. “Tết này vui quá, Mùa A Di à” - tôi lên tiếng. Di ngừng tay thước, giục vợ pha trà mời khách.

- Mùa A Di này, Tết năm nay có nhiều thóc, nhiều thịt không?

 

- Ô, cũng nhiều hơn mọi năm thôi à!

 

Cách nói của người Mông là vậy. “Nhiều hơn mọi năm đấy” - anh Lê Trọng Khang - Phó giám đốc lâm trường Púng Luông đi cùng tôi lên tiếng. “Này nhé: Mùa A Di nuôi bốn chục con gà này, 8 con lợn này, 4 con trâu này, làm 2.500 m2 ruộng cấy lúa lai này, trồng 0,8 ha chè này, lại nhận bảo vệ khoanh nuôi mấy chục ha rừng này...” Cứ sau mỗi tiếng “này”, Mùa A Di lại gật đầu một cái. Nhờ làm ăn như thế, Di đã làm lại được nhà. Anh kể: gần bốn chục hộ ở Nả Háng A này ai cũng muốn làm ăn tốt, không muốn phá rừng, trồng nương thuốc phiện như xưa nữa rồi. “Nhiều nhà khá hơn Di mà! Nhà Mùa ATòng thóc để ba năm nay ăn còn không hết đấy. Nó còn nuôi 7 con trâu, làm 1 ha chè, nuôi nhiều gà lợn lắm, không có ai đói nữa đâu, anh khách à”.

 

Tôi bật cười và chào Di rồi thả bộ vào Mý Háng Tâu, bản định cư nằm ở trung tâm xã Púng Luông, cũng là nơi trồng chè Shan giâm cành và cây sa mu trong chương trình trồng rừng kinh tế của huyện Mù Cang Chải. Khoan nói chuyện làm ăn, chúng tôi và Chủ tịch UBND xã Thào Là Sử ngược dốc lên núi xem sa mu. Mới trồng 2-3 tháng, cây đã bám đất xanh rì. Lưng núi, cơ man nào là chè cành mới trồng, búp non đã trổ. Phóng mắt nhìn xuống, những mái nhà ở bản Mông định cư lấp loáng như gương, nắng xuân thì rắc vàng trên ruộng bậc thang và những cánh rừng thông mã vỹ.

 

Púng Luông là xã đi đầu của Mù Cang Chải thực hiện tăng vụ. Cả xã có gần 3.000 dân, ruộng vẻn vẹn có 165 ha, tất là ruộng bậc thang, không tăng vụ thì cái đói cầm chắc.

 

- Tăng vụ thế nào Chủ tịch Sử?

 

- Làm thêm 70 ha ngô một năm, cả hai vụ ngô là đông xuân và hè thu, lại trồng thêm 30 ha đậu tương nhé.

 

- Thế còn rừng, còn cây chè?

 

- Năm qua, Púng Luông trồng 10 ha cây sa mu và cây mây. Dân mình giữ tốt trên 2.100 ha rừng nữa. Lâm trường còn hướng dẫn dân trồng  20 ha chè cành. Thế là tốt hơn xưa đấy!

 

Phải rồi, nhờ trồng lúa giống mới, trồng ngô, đậu tương, bảo vệ rừng, trồng chè mà đời sống của trên 500 hộ dân ở Púng Luông đã khá lên nhiều. Bình quân lương thực theo đầu người đã đạt trên 300 kg người/năm, số hộ đói nghèo mỗi năm một giảm. Trưởng bản Mý Háng Tâu, ông Hảng Rua Vàng hồ hởi: “Bây giờ người Mông mình không còn đẻ nhiều đâu, bọn trẻ chỉ đẻ 2 con thôi, bọn mình ngày xưa cũng chỉ đẻ nhiều đến 4 con thôi, đẻ ít để khoẻ con, khoẻ mình mà làm ăn tốt, cán bộ à”. Thế là đã có những đổi thay cơ bản ở vùng cao này. Từ chỗ du canh du cư, phá rừng sống nhờ nương rẫy và trồng cây thuốc phiện, nay người Mông đã định cư, yên ổn làm ăn. Nhờ định canh định cư, Nhà nước có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng như trường học, trạm xá, bưu điện văn hoá... cho người dân. Sắc diện vùng cao hôm nay đã thay đổi rất nhiều, cái đói nghèo, lạc hậu đang lùi dần.

 

- Chủ tịch Sử à, năm nay bà con ăn Tết thế nào?

 

- Vui hơn năm trước nhiều, cán bộ à! Nhà nào cũng có gạo trắng, có thịt, đỗ làm bánh, làm xôi. Không có ai bị đói trong ngày Tết như xưa đâu. Người già còn được quà Tết, quà của Đảng của Nhà nước mà!

 

Lất phất mưa xuân nắng lại thả từng tia tươi mới. Những bản người Mông định cư no ấm với những gam màu tươi tắn như khắc như tạc vào đất núi. Tôi đã thấy, mùa xuân phơi phới đang về trong tiếng kèn môi chàng trai Mông nào gọi bạn. Ô kìa, em gái Mông tung tăng váy áo, trên tóc cài nhánh đào rừng mới nở. Qua ngõ nhà Mùa A Di, đã thấy tiếng lao xao mời rượu. Ô mùa xuân, mùa xuân đã về...

 

Tuấn Anh

 


 

Các tin khác
Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

YBĐT - Ngược dòng sông Hồng đỏ thắm phù sa, chúng tôi trở lại Văn Yên - mảnh đất anh hùng. Xa xa, những nương chè xanh mướt ẩn hiện bên những cánh rừng xanh ngút ngát báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Ngày xuân đã đến rất gần, đồng bào, nhân dân các dân tộc Văn Yên đang tưng bừng chào đón mùa xuân mới với niềm vui bội thu từ những cánh rừng kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thăm công trường mở rộng Nhà máy Xi măng Yên Bái.

YBĐT - Năm 2006, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của ngành ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV), toàn ngành chuẩn bị cho cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, theo mô hình hệ thống “dọc” đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của toàn ngành và là động lực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Yên Bái.

Công trình Nhà máy Xi măng Yên Bình công suất 910.000 tấn/năm đang được đẩy nhanh thi công.
Ảnh: Thành Trung

YBĐT - Rầm rầm... roẹt roẹt...tiếng máy cơ giới thi công, ánh lửa hàn chói sáng trên đỉnh các xilô cao vút phá tan tiết đông lạnh giá của cả một vùng rộng lớn bên hồ Thác Bà. Tết đã đến rất gần, nhưng các đơn vị thi công ở đây vẫn đang đằm mình trong không khí hăng say cho công trình để đến đầu tháng 10 năm 2007, Nhà máy Xi măng Yên Bình có công suất 1 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư trên 1.250 tỷ đồng của công ty Cổ phần Xi măng Yên Bình chính thức đi vào vận hành.

Những con đường rộng mở, thúc đẩy kinh tế - -xã hội và làm thay đổi bộ mặt nông thôn Yên Bái ngày càng đổi mới.
(Ảnh: Ngọc Đồng)

YBĐT - May mắn được theo chân các đoàn khảo sát cho mở tuyến đường Đông hồ Thác Bà (Yên Bình) những ngày đầu cách đây gần 10 năm về trước, tôi là người thấu hiểu và đồng cảm với cuộc sống lam lũ của người dân nơi đây. Cũng bằng ấy năm mới trở lại, đi trên con đường nhựa êm thuận uốn lượn như dải lụa mềm về các xã vùng Đông hồ, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất này. Nhờ có con đường cuộc sống của người dân các xã vùng Đông hồ đang bừng lên sắc mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục