"Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác và phát huy tối đa nội lực để phát triển các sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, phát triển được gần 200 sản phẩm OCOP. Với mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo, các sản phẩm OCOP này được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Yên Bái trên thị trường.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thái Sơn cho biết: "Tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. HTX cũng tham gia các kênh xúc tiến thương mại, trang mạng xã hội, trong đó có sản phẩm Dầu lạc đỏ đạt chuẩn OCOP 3 sao, có mặt tại sàn
Postmart.vn nên sản phẩm OCOP của đơn vị đã có thể tiếp cận được nhiều thị trường mới, nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm nông sản Yên Bái”.
Cũng là một sản phẩm được sản xuất từ cây đao riềng trồng tại địa phương, đến nay, các sản phẩm miến đao của HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga đã được nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận và Hà Nội yêu thích và tin dùng.
Ông Đỗ Danh Toàn - Chủ tịch HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga, thôn Thịnh Ân, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cho biết: "Cuối năm 2022, sản phẩm miến đao của chúng tôi đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi luôn chú trọng nguồn nguyên liệu như tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm nên được khách hàng gần xa ưa chuộng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường trên 1 tấn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương”.
Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 170 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược, đồ uống và 7 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp ngành ở Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương ở tỉnh đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số.
Đến nay có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn. Số lượt khách truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử Yên Bái, website Sở Công Thương ngày một tăng, đến nay có hơn 18 triệu lượt truy cập; hỗ trợ đăng tải thông tin 183 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh...
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từ truyền thống đến thương mại điện tử...
Hùng Cường