Thành phố Yên Bái: Cần tiếp tục mở hướng đi cho kinh tế ngoài quốc doanh
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2005 với ngành nghề kinh doanh là sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty TNHH Trường Phát cũng như nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác đã được UBND thành phố Yên Bái tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng và các thủ tục hành chính đầu tư sản xuất.
Sản phẩm sứ xuất khẩu của Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.
|
Đến nay, Công ty đã đi vào sản xuất ổn định với sản phẩm chủ yếu là gạch bê tông màu tự chèn phục vụ cho các công trình vui chơi giải trí, các điểm công cộng như: công viên, vỉa hè, các khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ… Là một đơn vị sản xuất ngoài quốc doanh, trước sức ép của cơ chế thị trường, Công ty TNHH Trường Phát cũng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất và nhất là vấn đề tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để khẳng định được vị trí của mình thì không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của thành phố Yên Bái, Công ty TNHH Trường Phát cũng đã bỏ ra số tiền hơn 80 triệu đồng đào tạo nghề cho công nhân.
Đến nay, 100% lao động trong Công ty đã có tay nghề vững, vì thế mà chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên. Riêng năm 2006, Công ty TNHH Trường Phát đã sản xuất được gần 97.000 viên gạch vuông, hơn 248.000 viên gạch zíc zắc và xấp xỉ 67.000 viên gạch bông đem lại doanh thu cho Công ty 526 triệu đồng.
Đời sống của người lao động ngày càng ổn định với mức lương trung bình đạt từ 900.000 đến 1 triệu 200 nghìn đồng/tháng. Năm 2007, Công ty TNHH Trường Phát đã ký một hợp đồng tiêu thụ sản phẩm có tổng giá trị lên tới 1 tỷ 400 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty vẫn đang tiếp thị để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số dự án trong và ngoài tỉnh như: Dự án xây dựng khu vui chơi giải trí thị trấn Mậu A(huyện Văn Yên), khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm…
Còn đối với công ty TNHH sản xuất thương mại và xây dựng Trần Hạnh, việc đầu tư một số cơ sở sản xuất hoàn toàn mới tại khu công nghiệp Đầm Hồng, thành phố Yên Bái không phải việc làm đơn giản nếu như không được các ngành chức năng và thành phố Yên Bái tạo điều kiện về thủ tục đầu tư cũng như khâu san gạt mặt bằng để xây dựng xưởng sản xuất tấm lợp kim loại phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Sau 5 tháng khởi công xây dựng nhà xưởng cùng việc đầu tư hệ thống máy móc khá hiện đại với tổng mức đầu tư lên tới 5 tỷ đồng, đến tháng 9 năm 2006 những sản phẩm đầu tiên của Công ty đã có mặt trên thị trường, đảm bảo về mặt chất lượng cũng như mẫu mã đa dạng được bạn hàng khắp nơi tín nhiệm. Sản phẩm của đơn vị không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng ở Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang… Năm qua, Công ty sản xuất được trên 21.000m2 tấm lợp kim loại, tiêu thụ trên thị trường đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Đối với cơ sở sản xuất đũa Thanh Hương ở tổ 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái để phát triển và đứng vững được trong cơ chế thị trường hiện nay cũng là một điều không mấy dễ dàng. Bởi để đầu tư một xưởng sản xuất đũa thì cũng phải đầu tư ít nhất khoảng 500 triệu đồng. Nhưng từ hai bàn tay trắng và với quyết tâm của anh Trần Tuấn Bảo - chủ cơ sở sản xuất đũa Thanh Hương đã tự mày mò, chế tạo ra các loại máy móc phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do nguyên liệu đầu vào phải nhập từ các tỉnh khác như Hòa Bình, Thanh Hóa trong khi đó sản phẩm đũa làm ra chịu sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm khác nên để tồn tại và phát triển đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ này ngoài sự cố gắng của bản thân cơ sở cần có sự hỗ trợ của tỉnh, của thành phố cũng như các ngành chức năng.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Yên Bái có 680 cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh, trong đó có 10 hợp tác xã, 15 công ty cổ phần, công ty TNHH còn lại đều là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, các hộ kinh doanh buôn bán…
Một số ngành đang phát triển tốt gồm: khai thác mỏ, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất bột giấy… Đặc biệt, ngành chế biến gỗ và sản phẩm tre nứa phát triển khá mạnh với giá trị sản lượng năm 2006 đạt gần 8 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 2 năm nay, giá trị sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh của thành phố đạt 11,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, là một trung tâm kinh tế của tỉnh, nơi tập trung nhiều đầu mối giao lưu kinh tế, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh ở thành phố Yên Bái tuy có phát triển về mặt số lượng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất mang tính thủ công. Một số cơ sở cũng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cùng hệ thống máy móc khá hiện đại nhưng do phải chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên cũng ảnh hưởng đến mức độ đầu tư của các doanh nghiệp.
Một trong những khó khăn chung của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện nay là tình trạng thiếu vốn tái đầu tư cho sản xuất, trong khi đó các nguồn vốn ưu đãi không nhiều, thủ tục vay lại cần có thế chấp… nên đã cản trở đến việc đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.
Do vậy, để khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển, cùng với việc tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính, thành phố Yên Bái cũng nên có chính sách cho vay ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề từ quỹ khuyến công.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là việc ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển sản xuất cần sớm được triển khai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở thành phố Yên Bái phát triển góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Hương Giang - Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng trên15 ngàn ha rừng trong năm 2007, ngay từ ngày đầu năm các huyện thị trong tỉnh Yên Bái đã tổ chức đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân.
YBĐT - Trong quý I - 2007, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Yên Bái đã thực hiện hàng chục dự án khảo sát, tư vấn, thiết kế xây dựng nhiều dự án xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị sản lượng đạt 6 tỷ 808 triệu đồng, tăng 112,7% so với cùng kỳ năm 2006.
YBĐT - Vụ chiêm xuân năm 2007, thị xã Nghĩa Lộ gieo cấy 721,7ha. Cơ cấu giống gồm: lúa lai chiếm 76,3% tổng diện tích; lúa chất lượng cao 137 ha, chiếm 19,3% (riêng giống Nghi hương là 75 ha, giống TBS7 là 20 ha...); giống F1 gieo cấy 27,5 ha chiếm 3,88% diện tích, lúa tiến bộ khác 3,1ha.
YBĐT - "Từ khi xây dựng hầm khí sinh hoạt (HKSH) biogas, gia đình tôi đã có thêm nguồn điện thắp sáng và nhiên liệu nấu cám cho lợn và đặc biệt là giải quyết được mối bất hòa giữa gia đình và hàng xóm. Tôi vui lắm!". Đó là tâm sự của ông Nguyễn Duy Lân ở bản Pá Làng, xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) về chiếc HKSH biogas của gia đình vừa hoàn thành cuối tháng 11/2006.