Triển khai thực hiện từ năm 2021, đến nay, mô hình trồng na Đài Loan tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ đã bước vào giai đoạn đậu quả.
Mặc dù, giai đoạn sau trồng thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, song thời gian tiếp theo thời tiết mưa nhiều nên cây hồi phục rất nhanh. Từ những cành cây khẳng khiu, non nớt, nay gần 800 cây na đã cao hơn đầu người, tán lá xanh tốt cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương của giống cây mới này. Qua theo dõi, cây cũng không bị sâu bệnh gây hại ở mức độ nặng, chỉ nhiễm nhẹ sâu ăn lá và rầy mềm.
Ông Nguyễn Văn Phái - 1 trong 4 hộ tham gia mô hình trồng na Đài Loan cho biết: "Vì là giống cây mới nên khi ban đầu rất bỡ ngỡ, nhưng được cán bộ tổ chức tập huấn, hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật trồng, chăm sóc từ làm cỏ, đốn tỉa, bón phân, phòng trừ bệnh hại cho đến bảo vệ cây theo đúng quy trình kỹ thuật nên chúng tôi chăm sóc cây khá tốt.
Hiện, cây na cao trung bình từ 1,4 - 1,7 m, đường kính gốc khoảng 3 cm. Từ tháng 4 năm nay, cây bắt đầu ra hoa và đến nay đã đậu quả. Nghe nói, giống này quả to, giá thị trường khá cao. Hy vọng rằng, một hai năm nữa, qua vụ quả bói, giống cây mới này sẽ trở thành hàng hóa đặc sản, giúp chúng tôi tạo nguồn thu nhập khá”.
Cũng giống cây na, trám đen cây ghép trồng tại thôn Khe Đóm, xã Xuân Tầm cũng đang phát triển, sinh trưởng tốt. Ông Bàn Tiến Đinh - người dân tham gia mô hình chia sẻ: "Chúng tôi được hỗ trợ phân bón, cây giống cũng như tập huấn kỹ thuật, có cán bộ cầm tay chỉ việc, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn cách làm.
Hiện, cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, chiều cao đã đạt tới 1,5 m và cơ bản không có sâu bệnh gây hại. Mặc dù chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế vì cây chưa đến giai đoạn thu hoạch quả, song với những gì đạt được ở thời điểm này, chúng tôi đang rất kỳ vọng vào vụ quả tới”.
Na Đài Loan, trám đen chỉ là 2 trong số nhiều mô hình thử nghiệm mà huyện Văn Yên đã, đang triển khai được đánh giá hiệu quả. Từ năm 2021, huyện đã tích cực thực hiện nhiều mô hình thử nghiệm các cây, con giống mới gồm: 3 dự án thâm canh lúa thuần chất lượng cao (giống ST 25, Dự hương 8, Bắc Thơm 7 với quy mô 17 ha), 5 mô hình cây, con giống mới, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà ri dưới tán cây quế, mô hình nuôi cá tầm...
Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Để các mô hình thành công, Trung tâm đã cử cán bộ khuyến nông phụ trách xã phụ trách từng mô hình, bám sát cơ sở, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây theo đúng quy trình kỹ thuật, theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Đồng thời, ghi chép nhật ký, báo cáo tiến độ, kịp thời hướng dẫn, tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho nhân dân trong quá trình tham gia mô hình”.
Sau 2 năm triển khai, huyện Văn Yên đã tiến hành đánh giá hiệu quả các mô hình, dự án này, thảo luận về tính phù hợp, việc chăm sóc, kỹ thuật, việc nhân rộng để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa đối với mô hình cây con mới thành công như: na Đài Loan, lê VH06, trám đen,
nuôi gà ri dưới tán quế.
Mô hình
nuôi cá tầm tại các xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Tân Hợp cũng đang cho thấy tiềm năng, đàn cá phát triển tốt, chất lượng được đánh giá cao so với thị trường. Đồng thời, huyện cũng thẳng thắn đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan đối với 2 mô hình chưa thành công.
Việc xây dựng các mô hình nông nghiệp mới sẽ thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân theo hướng tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, từng bước đưa những cây, con giống giá trị thay thế những cây, con giống kém hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nền nông nghiệp, giúp nông dân giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Hoài Anh