Nằm ở độ cao 1.371 mét so với mực nước biển, Suối Giàng là một vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái với 98% dân số là đồng bào Mông. Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 6.033 ha, 7 thôn, bản với 805 hộ và trên 3.900 nhân khẩu. Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 29% theo chuẩn mới.
Thực hiện các chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Suối Giàng đã ban hành kế hoạch, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ công chức, đoàn thể các ngành, các thôn, bản; hướng dẫn, chỉ đạo thôn, bản tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình.
Quá trình thực hiện, xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, phù hợp với trình độ và tập quán của địa phương như: kết hợp trong các buổi họp thôn, bản, băng rôn, vận động, hướng dẫn trực tiếp tại hộ gia đình... nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện chương trình.
Giai đoạn 2021-2025, xã Suối Giàng đặc biệt quan tâm triển khai các dự án, tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xã có 3 công trình được phê duyệt đầu tư xây dựng mới theo Nghị quyết số 13/NQ-HĐND tỉnh với tổng vốn đầu tư ngân sách trung ương trên 11,29 tỷ đồng.
Trong đó, 2 công trình đường kết nối thôn Tập Lăng – Bản Mới – Pang Cáng, xã Suối Giàng, chiều dài 2.000m, bề mặt 3 – 3,5m; công trình kè chống sạt lở Sơn Thịnh – Suối Giàng dài 160m, chiều cao kè từ 3 – 9m do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư, đã khởi công từ năm 2022.
Tiểu dự án công trình cầu thôn Tập Lăng (trong dự án đường kết nối thôn Tập Lăng – Bản Mới – Pang Cáng) có chiều dài 12m, bề rộng nền đường 5 m; bề rộng mặt đường 3,5m, với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Lâm Phúc Yên Bái trúng thầu thi công, đến nay đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân.
Ông Vàng A Hềnh – Trưởng thôn Tập Lăng phấn khởi nói: "Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư mở tuyến đường và xây dựng cây cầu nối giữa hai thôn Tập Lăng với thôn Tặng Chan, xã An Lương đã giúp bà con đi lại thuận lợi, giao lưu, trao đổi hàng hóa, nhất là đưa đón các cháu học sinh đi học vào mùa mưa lũ. Bà con trong thôn rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ hiến đất để triển khai công trình. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, chúng tôi tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và khai thác sử dụng có hiệu quả”.
Chủ tịch UBND xã Suối Giàng Lường Văn Tâm cho biết: Chương trình MTQG triển khai trên địa bàn đã thiết thực đáp ứng mong mỏi của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đắc lực thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương. Đây là một chính sách đúng đắn, phù hợp với các xã vùng cao đặc biệt khó khăn nói chung và xã Suối Giàng nói riêng.
Sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG, nhiều công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao như: điện lưới quốc gia, đường giao thông, trường học, trạm y tế... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt 100%; tỷ lệ phân luồng sau THCS đạt 70%; các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh được kịp thời.
Đặc biệt từ khi Chương trình MTQG được triển khai thực hiện trên địa bàn xã, nhiều hạng mục, công trình, dự án được xây dựng, tạo kết nối giao thông, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để địa phương này tập trung thu hút nhà đầu tư và tạo động lực thúc đẩy người dân bản địa phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, Suối Giàng đón trên 50.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, Suối Giàng đạt mức thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm trên 9%.
Đức Toàn