Tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt gần 34 tỷ đồng, tăng 693 triệu đồng so với tháng 31/12/2022, trong đó nguồn ủy thác từ Quỹ Trung ương trên 7 tỷ đồng, Quỹ cấp tỉnh 15,54 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện là 11,33 tỷ đồng, tăng 693 triệu đồng.
Các dự án vay vốn từ Quỹ đã tạo giúp các hộ mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Là một trong những hộ hội viên được vay vốn Quỹ HTND từ Dự án "Chăn nuôi cá trắm thương phẩm" tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã được giải ngân trong tháng 6/2023, bà Bùi Thị Thủy, thôn Thiên Bữu chia sẻ: "Tôi và 11 hộ khác được vay 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để thực hiện Dự án "Chăn nuôi cá trắm thương phẩm". Chúng tôi rất phấn khởi bởi đã có nguồn vốn để mở rộng diện tích ao nuôi, đầu tư thêm con giống. Chúng tôi cũng luôn học hỏi và trao đổi kỹ thuật để cá phát triển tốt, phấn đấu 3 năm sẽ trả được tiền vốn”.
Cùng với Văn Chấn, từ đầu năm đến nay, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 3 dự án với số tiền 1 tỷ đồng cho 21 hộ vay tại huyện Lục Yên. Cấp huyện đã giải ngân 220 triệu đồng cho 6 hộ vay thực hiện dự án chế tác đá phong thủy và nuôi bò tại 2 xã Vĩnh Lạc, Liễu Đô. Đến nay, toàn huyện Lục Yên đang cho 144 hộ vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp để thực hiện 28 dự án, tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng.
Chị Lương Vân Hường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Yên cho biết: "Các dự án vay vốn từ Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hộ hội viên mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ theo hướng liên doanh, liên kết; điển hình như: mô hình chế tác đá phong thủy tại xã Tân Lĩnh, Vĩnh Lạc; nuôi cá lồng ở xã An Phú, nuôi ốc nhồi thương phẩm, cá thương phẩm ở xã Phúc Lợi; trồng Na tại xã Tân Lĩnh, sản xuất rau trong nhà màng theo hướng hữu cơ tại thị trấn Yên Thế... Từ đó, giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần hình thành các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo tiền đề để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp, các chi hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện”.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn, thu hồi vốn gốc và phí cũng được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng trách nhiệm, cho vay theo hướng dẫn của Quỹ HTND Trung ương và Quỹ HTND tỉnh.
Bên cạnh nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình ủy thác, tín chấp với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ; giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng các nguồn vốn vay và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các nguồn vốn vay của các địa phương.
Theo ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, việc triển khai các dự án vốn vay từ nguồn Quỹ HTND được thực hiện đúng quy định, đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn, việc thu hồi vốn gốc và phí được thực hiện nghiêm túc. Các hộ hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích theo dự án đã được phê duyệt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ này cũng đồng thời là hạt nhân tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ để các hộ hội viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Có thể nói, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND là "trợ thủ" đắc lực giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế . Qua đó, Hội nông dân cũng khẳng định rõ nét vai trò tư vấn, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống.
Minh Huyền