Văn Chấn chú trọng giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/8/2023 | 1:42:54 PM

YênBái - Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, huyện Văn Chấn đã có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm 4 sao. Để củng cố, nâng tầm các sản phẩm OCOP hiện có, thời gian qua, huyện và các cơ sở sản xuất đã thực hiện nhiều giải pháp.

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Văn Chấn đang thâm canh nhãn theo hướng VietGAP, nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Nhiều người dân trên địa bàn huyện Văn Chấn đang thâm canh nhãn theo hướng VietGAP, nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

 

Để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững, hàng năm, huyện Văn Chấn cử cán bộ công chức, cán bộ của các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự các lớp tập huấn trực tiếp hoăc tập huấn qua nền tảng Zoom; tổ chức cho các đơn vị có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP do tỉnh tổ chức và tham gia hội chợ các tỉnh Lai Châu, Hà Nội, Sơn La... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình OCOP.

Suối Giàng là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP với 6 sản phẩm OCOP 4 sao, chủ yếu liên quan đặc sản chè Shan tuyết cổ thụ và phát triển du lịch, gồm: Tuyết sơn trà Suối Giàng của Hợp tác xã Suối Giàng; Đại lão vương trà – Hồng trà Suối Giàng, Đại lão vương trà – Hoàng trà Suối Giàng, Đại lão vương trà – Diệp trà Suối Giàng, Đại lão vương trà – Bạch trà Suối Giàng của Hợp tác xã hệ sinh thái Du lịch Suối Giàng và sản phẩm du lịch Không gian văn hóa trà Suối Giàng của hộ kinh doanh Bùi Ngọc Linh. 

Cuối tháng 7/2023 vừa qua, vinh dự cho xã Suối Giàng khi Hợp tác xã Suối Giàng có sản phẩm OCOP là Diệp trà Shan tuyết và Hồng trà Shan tuyết là 2 trong 10 sản phẩm của tỉnh Yên Bái được lựa chọn xuất khẩu sang Anh. Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì tem nhãn mác theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, sản phẩm đã nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng của thị trường Anh quốc.

Lâm Thị Kim Thoa – Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng cho biết: "Chúng tôi quyết tâm cao trong lô hàng lần này, đặc biệt là làm tốt khâu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cũng như các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đáp ứng đúng tiêu chuẩn thị trường Anh quốc. 1.600 sản phẩm xuất khẩu đợt này được đóng thùng theo quy cách đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và được Công ty cổ phần R.Y.B vận chuyển sang thị trường Anh. Đây là bước mở đầu để chè Shan tuyết Suối Giàng vươn ra thị trường châu Âu".

"Để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, chúng tôi chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu hái đến sản xuất. Cùng với đó đặc biệt quan tâm đến thiết kế mẫu mã và bao bì sản phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu ra thế giới”, bà Thoa cho biết thêm.

Cũng là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP 4 sao đang được thị trường lựa chọn, tin dùng, Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và đông dược Thế Gia, thị trấn Sơn Thịnh hiện có 6 sản phẩm đã ra thị trường, gồm: Trà táo mèo Shan Thịnh, Dầu Massage Quốc Kỳ, Xịt Massage Quốc Kỳ, Gel Masage Quốc Kỳ, Kẹo C táo mèo Shan Thịnh, Cao xoa Tiến Quân. Trong đó, 4 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP là: Trà táo mèo Shan Thịnh 4 sao, Gel Massage Quốc Kỳ 4 sao, Xịt Massage Quốc Kỳ 4 sao và Dầu massage Quốc Kỳ 3 sao. 

Nhà máy với diện tích hơn 20 nghìn m2 hiện nay đã có 5 dây chuyền sản xuất, tuy vậy mới chỉ đáp ứng được 10% sản lượng của địa phương; Công ty vẫn có thể mở rộng sản lượng lên gấp 3 lần hiện tại, thêm gấp 2-3 lần số dây chuyền sản xuất khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên.

 

 Khách hàng tham quan các sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và đông dược Thế Gia

Bà Phạm Thị Kiều – Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Các sản phẩm của Công ty đều sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm được thị trường tin tưởng và tin dùng nhiều hơn. Mặc dù đã được nâng sao, song Công ty chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật các sản phẩm. Thông qua các kênh bán hàng, chợ điện tử, xúc tiến thương mại, Công ty đã từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước”.

Thông qua Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Văn Chấn có cơ hội tiếp cận nhu cầu thị trường. Từ đó cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng, bao bì, giảm chi phí, xây dựng giá cả cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại, tăng doanh thu bán hàng... 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Văn Chấn còn có những khó khăn: nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa xác định được tầm quan trọng khi tham gia; các sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn về mẫu mã, tiêu chuẩn chưa rõ ràng, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm còn hạn chế.

Vì vậy, về hướng đi trong thời gian tới, ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Huyện sẽ xây dựng mô hình cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất gắn với thực hiện Chương trình OCOP cùng với việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu OCOP Yên Bái; tổ chức các gian hàng để giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các khu vực thu hút khách du lịch. 

Đồng thời, xây dựng thí điểm và phát triển các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch được cơ quan Nhà nước kiểm định và chứng nhận tại trung tâm các huyện, thị, thành phố và các khu vực đông dân cư; phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương”.

Thanh Chi


 

Tags Yên Bái Văn Chấn OCOP Công ty Đông dược Thế Gia Hợp tác xã Suối Giàng xã Suối Giàng

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới được 58 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số toàn tỉnh lên 705 HTX đang hoạt động.

Nuôi trồng thủy sản trên Hồ Thác Bà mang lại nguồn thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và HTX

Trong tháng 7, sản lượng thủy sản chỉ đạt 1.149 tấn, giảm 2,97% so với cùng kỳ. Sản lượng giảm chủ yếu tại huyện Yên Bình do mực nước hồ Thác Bà xuống thấp, ảnh hưởng tới việc nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Hội Nông dân tỉnh giải ngân nguồn Quỹ HTND cho Dự án

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã giải ngân cho 519 hộ vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) thực hiện 130 dự án với tổng số vốn trên 15 tỷ đồng, giúp cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Công trình cầu thôn Tập Lăng, xã Suối Giàng hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong vùng

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã chú trọng triển khai các dự án, tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục