Nhằm hỗ trợ cho HTX chủ động mở rộng hoạt động kinh doanh, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ cho HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An vay 500 triệu đồng mua xe ô tô tải phục vụ vận chuyển trâu, bò với lãi suất thấp (0,43%/tháng) trong thời hạn vay 36 tháng. Ông Hoàng Văn Liêm - Giám đốc HTX cho biết: "Từ khi đầu tư mua xe ô tô tải để phục vụ vận chuyển trâu, bò và thức ăn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của HTX được thuận lợi và chủ động hơn, giảm chi phí vận chuyển so với trước đây phải thuê phương tiện”.
Cùng đó, HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An là 1 trong 3 HTX được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị năm 2022. Để thực hiện mô hình HTX mua máy băm cỏ trị giá 70 triệu đồng; trong đó, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 45 triệu đồng không hoàn lại.
Chị Thang Thị Chanh - thành viên HTX chia sẻ: "Từ khi sử dụng máy băm cỏ mới, năng suất tăng gấp nhiều lần lại an toàn và tiết kiệm điện. Nếu như trước kia, mỗi tháng HTX phải trả từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng tiền điện thì nay chỉ còn trên 1 triệu đồng/tháng”.
Cùng với sự năng động, cố gắng của Ban Giám đốc và các thành viên HTX, sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Liên minh HTX tỉnh nên HTX Thiên An ngày càng phát triển. Hiện, HTX có trên 120 con trâu, bò thương phẩm cơ bản là vỗ béo để xuất bán và một số trâu, bò sinh sản để nhân giống tái đàn. HTX đang giải quyết việc làm cho 20 thành viên và người lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số với mức lương ổn định trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Với những HTX mới thành lập, thông qua những chính sách cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã có những tư vấn hỗ trợ cụ thể dựa trên ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh năm 2021 hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ nguồn nhân lực về HTX làm việc, đào tạo ngành nghề phù hợp cho các thành viên và người lao động của HTX. Thời gian qua, nhiều HTX không chỉ ổn định mà còn mở rộng quy mô SXKD.
Hiện, khu vực KTTT, HTX tỉnh đã chủ động, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển. Đến nay, đã hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh như: HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn…
Đặc biệt, trong Chương trình OCOP, các HTX, tổ hợp tác là chủ thể chính tạo ra sản phẩm OCOP 3 - 4 sao được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, phát triển du lịch, hỗ trợ DN nhỏ và vừa; phát triển KTTT, phát triển nguồn nhân lực như đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tập trung hỗ trợ DN trong các ngành, nghề lĩnh vực ưu tiên phát triển; hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX giải ngân cho 9 đơn vị vay vốn với số tiền là 3,9 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 41 đơn vị đang vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái với tổng số tiền 15,4 tỷ đồng; 7 đơn vị đang sử dụng vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam với tổng số tiền vay 14,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay, các HTX đã chủ động, thích ứng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn. Qua kiểm tra, hầu hết nguồn vốn vay ưu đãi trên được các HTX sử dụng đúng mục đích; tạo công ăn, việc làm cho các thành viên HTX; nhiều HTX mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Hồng Duyên