Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Ngay từ đầu mùa mưa bão, Sở phối hợp với các địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu vực thường bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa - nơi dễ bị chia cắt, cô lập; tiến hành xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, bình ổn giá cả nhằm giúp nhân dân ổn định đời sống trước, trong và sau bão lũ”.
Sở Công Thương đã chủ động làm việc, vận động các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối lớn, siêu thị, chợ, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh tham gia tạm trữ, dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại, vừa sẵn sàng tiếp ứng đến những nơi xảy ra thiên tai, bão lũ khi cần thiết.
Cụ thể, đối với nhóm hàng lương thực, Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái luôn dự trữ 325 tấn gạo. Công ty cũng có thể huy động gạo từ kho gạo của hệ thống Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc thêm khoảng 200 tấn để bổ sung nguồn cung cho tỉnh Yên Bái đảm bảo phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, thông qua hệ thống các đại lý, trên địa bàn thành phố dự trữ 395 tấn, khi cần thiết các đơn vị này đều hỗ trợ cho các địa bàn khác trong tỉnh. Các địa phương đã vận động và giao cho một số cơ sở chủ đạo dự trữ lưu thông tăng 2-3 lần so với bình thường.
Cụ thể, huyện Lục Yên dự trữ lưu thông 60 tấn gạo, huyện Trấn Yên lưu thông thường xuyên đảm bảo 10 tấn gạo, huyện Văn Yên lưu thông thường xuyên đảm bảo 20 tấn gạo, huyện Văn Chấn dự trữ lưu thông 34 tấn gạo, thị xã Nghĩa Lộ dự trữ lưu thông 100 tấn gạo… Tổng số lượng gạo dự trữ và lưu thông thường xuyên tại thời điểm là 763 tấn, ước giá trị 11,4 tỷ đồng. Ngoài ra, khi cần thiết có thể huy động từ các tỉnh như: Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên…
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, khi nhu cầu cục bộ ở một số địa bàn tăng quá cao, có thể điều tiết trong tỉnh và khai thác thêm khoảng 700 tấn từ các tỉnh, thành và thông qua các siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh cung ứng.
Về nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng: đường, sữa, nước mắm, bột canh, mì chính, mì tôm, lương khô... , hiện nay nguồn đã có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng đủ nhu cầu kể cả khi nhu cầu tăng đột biến.
Bên cạnh đó để chuẩn bị hàng hóa cho mùa mưa bão, Sở Công Thương ban hành Văn bản số 727/SCT-QLTM ngày 31/3/2023 về chỉ đạo các doanh nghiệp là nhà phân phối, đại lý lớn về lĩnh vực lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Các đơn vị kinh doanh chủ động nhập tăng thêm số lượng hàng hóa ngoài hàng kinh doanh thì đảm bảo dự trữ thêm một lượng hàng hóa thiết yếu nhất định, tổng giá trị 9,5 tỷ đồng.
Ông Hoàng Xuân Hải - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Yên Bái cho biết: "Công ty Xăng dầu Yên Bái đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời về số lượng, chủng loại xăng dầu khi các địa bàn bị cô lập do mưa bão, thiên tai thì nguồn xăng dầu mỗi cửa hàng luôn yêu cầu duy trì đảm bảo tối thiểu từ 7 đến 10 m3/ngày tại mỗi cửa hàng và đảm bảo cung cấp đủ duy trì tối thiểu trong 15 ngày.
Ngoài mặt hàng xăng dầu kinh doanh, Công ty cũng đã đăng ký về Sở Công Thương xăng dầu phục vụ phòng chống thiên tai là 80 m3 tại 2 cửa hàng số 1 và số 9 địa bàn thành phố Yên Bái để kịp thời cung ứng nguyên liệu cho phương tiện khi cần thiết đi cứu trợ, kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng”.
Đến thời điểm hiện tại, nguồn hàng dự trữ cho mùa mưa bão năm 2023 đã được các doanh nghiệp tập kết tại kho, sẵn sàng cung ứng kịp thời cho các vùng bị thiên tai, lũ lụt. Các đơn vị cũng đã có kế hoạch điều động xe vận chuyển hàng hóa khi cần huy động, vận chuyển hàng hóa hiệu quả, đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng cần.
Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh xây dựng phương án kiểm tra, nắm bắt thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây bất ổn thị trường.
Với mạng lưới thương mại, siêu thị tổng hợp và hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã giúp cho việc cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng thuận lợi.
Và việc chủ động phương án dự trữ và cung ứng hàng hoá kịp thời, đầy đủ trong những thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ sẽ góp phần đảm bảo tốt bình ổn thị trường, ổn định cuộc sống người dân trước, trong và sau thiên tai.
Hồng Duyên