Từ ngày 20.7, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng và tính đến cuối tháng 8 nước này siết toàn bộ các hoạt động xuất khẩu gạo. Hai nước xuất khẩu chính là VN với mục tiêu hơn 7 triệu tấn và Thái Lan trên 8 triệu tấn, đến thời điểm này gạo Việt đang vượt lên.
Vượt Thái Lan cả về lượng và giá
Tính đến đầu tháng 9, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết vừa điều chỉnh giá các loại gạo xuất khẩu tăng từ 10 - 35 USD/tấn so với giữa tháng 8. Cụ thể, giá gạo 5% tấm là 646 USD/tấn và 25% tấm là 607 USD/tấn do nguồn cung gạo trên thị trường thế giới tiếp tục căng thẳng, đặc biệt từ Ấn Độ và Myanmar.
Bộ Thương mại Thái Lan thông tin tính từ đầu năm đến cuối tháng 8 đã xuất khẩu 5,29 triệu tấn gạo, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường tiêu thụ gạo nhiều nhất của Thái Lan là Indonesia, Iraq, Nam Phi, Mỹ và Trung Quốc. Một trong những khách hàng mua gạo lớn của VN ở khu vực Đông Nam Á là Philippines quan tâm đến thỏa thuận nhập khẩu gạo với Thái Lan. Thỏa thuận này sẽ có sự "rõ ràng hơn" vào cuối tháng 9 này.
Có thể nói các doanh nghiệp VN đã tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vì so với tháng liền kề trước đó con số chỉ là 661.000 tấn gạo trị giá 363 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng gạo xuất khẩu và trị giá cũng tăng mạnh. Cụ thể, tháng 8.2022, VN xuất 718.000 tấn gạo, trị giá 339 triệu USD.
Lũy kế 8 tháng đầu năm VN đã xuất khẩu được 5,85 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,2 tỉ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Căn cứ vào số liệu chính thức được công bố có thể thấy VN hiện xuất khẩu gạo nhiều hơn Thái Lan khoảng 560.000 tấn; giá gạo 5% tấm của VN, đặc biệt là gạo 25% tấm, cũng đang cao hơn so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan.
Một nguồn cung khác, lớn thứ 6 thế giới là Myanmar vẫn đang để ngỏ vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo. Các nhà xuất nhập khẩu vẫn hồi hộp theo dõi những diễn biến tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, 2 khách mua gạo lớn của thế giới cũng như mua của VN là Philippines và Indonesia đồng loạt có những chính sách liên quan đến nguồn cung và giá gạo. Cụ thể, Indonesia quyết định chi trên 525 triệu USD để phát gạo miễn phí cho 21,35 triệu gia đình nghèo, biện pháp hỗ trợ người dân đối phó với giá gạo tăng cao. Trong khi đó, Philippines thực hiện chính sách giá trần đối với gạo xay xát thông thường là 41 peso/kg (tương đương khoảng 0,72 USD), giá gạo xay xát kỹ được đặt ở mức 45 peso/kg (0,79 USD). Cả 2 chính sách này đều bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 9.
Đối với chính sách giá trần của Philippines, gần đây một số thương nhân VN cho rằng các doanh nghiệp Philippines đồng loạt xin hủy hợp đồng vì càng làm càng lỗ. Các nhà nhập khẩu Philippines hủy hợp đồng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu và kéo giá gạo xuất khẩu VN giảm.
Hiện VN đã xuất khẩu 5,85 triệu tấn, so với mục tiêu 7 triệu tấn thì trong 4 tháng cuối năm tổng lượng gạo có thể xuất chỉ trên 1,15 triệu tấn. Đây là con số rất khiêm tốn so với nhu cầu thế giới hiện nay. Từ nay đến cuối năm giá gạo 5% tấm xuất khẩu chắc chắn không thể xuống dưới mức 600 USD/tấn; khả năng sẽ duy trì giá từ 620 - 630 USD/tấn, kể cả việc Ấn Độ mở thêm một vài hợp đồng cấp chính phủ.
QT - TNO