Gia đình anh Nông Văn Tấn, ở thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa vừa được Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái hỗ trợ 660 cây na giống nhập nội để trồng trên diện tích đất nương đồi kém hiệu quả. Cây na nhập nội (na dai Đài Loan và na dai Thái Lan) được lấy tại vườn ươm Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
Tham gia mô hình, anh Tấn được cán bộ Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật trồng, hỗ trợ vật tư phân bón, quy trình chăm sóc và phòng chống sâu bệnh. Để đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây sau khi trồng và chăm sóc vào các giai đoạn cây cần nước để sinh trưởng, phát triển, toàn bộ diện tích trồng na được anh Tấn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây.
Anh Tấn cho biết: "Qua tìm hiểu, tôi thấy giống na nhập nội phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua nghiên cứu thị trường, tôi thấy, giá các loại na thường được bán trung bình 30.000 đồng/kg quả ngay tại vườn, dễ tiêu thụ nên gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Sau thời gian thử nghiệm, nếu thành công, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích”.
Kỹ sư Đặng Thị Hồng Hiệp – cán bộ Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh cho biết: "Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang trồng giống na nhập nội. Đây là giống na có tính thích ứng cao, dễ trồng, chống hạn tốt, chịu được rét. Giống na mới này có sức hút rất lớn bởi hương vị thơm ngon, dai, mềm, mịn, ngọt hơn so với các giống na đã trồng trước đây. Mô hình được triển khai trên diện tích 1 ha, hiện đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Do vậy, khi kết thúc nhiệm vụ khoa học sẽ bàn giao lại cho hộ dân tiếp tục chăm sóc, quản lý và thu hoạch sau này".
Lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái kiểm tra mô hình nấm Linh chi tại xã Khánh Hòa
Trước đó, Sở Khoa học - Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh đã hỗ trợ 4 hộ dân của xã Khánh Hòa tham gia mô hình nuôi trồng nấm Linh chi với trên 10.200 bịch. Đây là mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng nấm Linh chi trên gỗ keo được thực hiện từ tháng 6/2022. Sở và Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng lò sấy bịch nấm và các vật tư khác, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách trực tiếp nắm bắt, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện mô hình.
Anh Dương Minh Cao, thôn Làng Nộc, xã Khánh Hòa cho biết: "Sở và Trung tâm đã hỗ trợ lò sấy, giống và mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm Linh chi, các hộ dân tham gia mô hình đều nắm bắt được kỹ thuật nên việc thực hiện sản xuất nấm rất dễ dàng”.
Còn ông Dương Quốc Toản, thôn Lang Nộc cho biết: "Trước đây, gia đình chủ yếu làm ruộng và làm nương đồi, thu nhập không ổn định. Qua tham gia mô hình trồng nấm Linh chi, tôi thấy giống nấm này rất có tiềm năng để phát triển, cho thu nhập tốt hơn. Một năm, nấm cho thu hoạch 3 lần, mỗi lần khoảng từ 50 – 60 kg, giá nấm Linh chi trên thị trường dao động từ 500 – 600 nghìn đồng/kg. Do hiệu quả từ mô hình trồng nấm Linh chi mang lại nên nhiều hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đăng ký tham gia”.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa - Hoàng Minh Trưởng cho biết: "Từ thành công của các mô hình phát triển kinh tế mà nhiều hộ dân trong xã đã thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tích cực tham gia trồng quế, trồng keo và phát triển các mô hình trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập”.
Khánh Hòa là địa phương không có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp, song lại có những sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc trưng vùng miền như: cam, quýt, khoai tím, mật ong. Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định tập trung phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc sản này, trong đó có cây khoai tím.
Trên địa bàn xã hiện có 12 ha khoai tím và nằm trong vùng sản xuất khoai tím được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận cho "Khoai tím Lục Yên”. Loại củ này trồng trên đất Khánh Hòa có chất lượng thơm, ngon, bùi, sản lượng khoảng 150 tạ/ha, đem về nguồn thu khoảng 70 triệu/ha cho người dân.
Ngoài xây dựng thành công các mô hình sản xuất, trong 9 tháng năm 2023, xã đã thành lập 3 tổ hợp tác xã gồm: Tổ hợp tác trồng cây khoai tím, Tổ hợp tác trồng cây dược liệu, Tổ hợp tác nuôi ong mật để các hộ dân liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Với mục tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, "Trong thời gian tới, xã tập trung chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế, các sản phẩm hướng tới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng nấm và chăn nuôi; tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; các sản phẩm phát triển gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP”, Chủ tịch UBND xã Vũ Tô Hoàng cho biết.
Mạnh Cường