Đến nay đã hơn một tháng kể từ khi Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cho phép khách hàng cá nhân được vay NH này để trả nợ NH khác đối với cả nhu cầu đời sống, thay vì chỉ được vay phục vụ hoạt động kinh doanh như trước đây. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đang chịu mức lãi suất cho vay cao muốn được chuyển nợ sang NH có lãi suất thấp hơn nhưng vô cùng khó khăn.
Hấp dẫn nhưng khó tiếp cận
Ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, hàng loạt NH công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại NH khác.
Đơn cử, VietinBank khẳng định khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các NH khác với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống như vay mua nhà ở, đất ở, xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mua xe có tài sản đảm bảo sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm. Hạn mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại.
Tương tự, BIDV cho biết NH này áp dụng lãi suất từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn cho khách hàng có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại. Còn tại Vietcombank, với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân áp dụng mức lãi suất cho vay từ 6,9%/năm trong sáu tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu.
Nhiều khách hàng đang chịu mức lãi suất cho vay cao muốn được chuyển nợ sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn nhưng vô cùng khó khăn.
Chị Nguyễn Hiên (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đang có khoản vay mua bất động sản với lãi suất 13,6%/năm, dư nợ khoản vay hiện còn 850 triệu đồng. Với mức lãi suất này, mỗi tháng gia đình chị phải trả lãi khoảng 9,5 triệu đồng. Khi biết thông tin một số NH đang có chính sách lãi suất cho vay ưu đãi để chuyển khoản vay, chị liền liên hệ nhưng điều kiện quá khó khăn.
"Khi liên hệ với nhân viên tín dụng tại NH tôi đang vay thì được biết phải đáp ứng nhiều điều kiện. Ví dụ, tôi phải có một tài sản khác ngoài tài sản mà tôi đang vay để đảm bảo khoản vay đó, hoặc sắp xếp nguồn tiền trả nợ để tất toán khoản vay rồi mới chuyển sang NH mới. Chưa kể, những khoản phí phát sinh như phí phạt trả nợ trước hạn 2%-3% tùy NH, mua bảo hiểm khoản vay, rồi chi phí liên quan đến làm thủ tục chuyển hồ sơ vay” - chị Hiên kể.
Không chỉ chị Hiên mà nhiều khách hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi một số NH tuyên bố cho vay lãi suất thấp hơn 2%-3% để trả nợ NH khác nhưng không dễ tiếp cận vì thủ tục phức tạp và phải gánh nhiều loại chi phí.
Tác động lớn nhất mà Thông tư 06 tạo ra đó là thúc đẩy các NH chủ động giảm lãi vay cho khách hàng, cả với lãi suất cho vay mới và lãi suất của khoản vay hiện hữu để giữ chân khách hàng. Qua đó, giúp mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường giảm - Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB nhận xét.
Không phải ngân hàng nào cũng rộng cửa
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho biết: Sau hơn một tháng áp dụng theo các quy định của Thông tư 06, đơn vị ghi nhận số lượng khách hàng có nhu cầu chuyển nợ rất ít, không đáng kể.
Tổng giám đốc OCB giải thích: "Trên thị trường có NH cho vay với lãi suất cao, có NH cho vay với lãi suất thấp. Nhưng với thực trạng tín dụng tăng trưởng thấp mà khách hàng tốt, đang trả nợ bình thường, chưa từng yêu cầu cơ cấu nợ thì NH nào cũng sẵn sàng giảm mục tiêu lợi nhuận để giữ chân họ ở lại với mình và khi được hưởng ưu đãi lãi suất thì khách hàng cũng ngại chuyển”.
Ông Tùng cho rằng một trong những điểm mới của Thông tư 06 mà NHNN ban hành là cho phép khách hàng cá nhân được vay NH A để trả nợ trước hạn cho NH B. Nhưng việc chuyển nợ cũng có những điều kiện nhất định khiến việc chuyển nợ không hề dễ dàng. Ví dụ, khách hàng phải trả nợ hết khoản vay tại NH cũ, lấy tài sản ra và đem thế chấp vào NH mới.
"Đó là chưa kể những khách hàng vốn đã trong tình trạng trả nợ khó khăn thì không phải NH nào cũng rộng cửa tiếp đón, bởi rước về một khách hàng như vậy lỡ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn thì sao. Thế nên tình trạng chuyển nợ khó xảy ra một cách ồ ạt” - ông Tùng nói.
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết: Thông tư 06 có những quy định mới như cho phép các NH tài trợ lại các khoản vay của các NH khác và ACB đã thúc đẩy chương trình này với chính sách cho vay ưu đãi 8%/năm trong 12 tháng đầu.
"Chúng tôi thực hiện chính sách này theo nguyên tắc phải tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động của NH và quyền lợi lâu dài của khách hàng. Bởi có NH cho vay với lãi suất khá thấp trong thời gian đầu nhưng sau đó nâng lên, trong khi ACB có sự đảm bảo về mức độ ổn định lãi suất cho vay trong thời gian dài hơn” - ông Phát giải thích.•
Thiếu người cầm trịch
Lãnh đạo một NH trong nhóm bốn NH thương mại lớn nhất chia sẻ: "Theo quy trình nội bộ của chúng tôi, chỉ giải ngân cho khách hàng vay NH này để trả nợ NH khác với điều kiện NH B (nơi khách hàng đang vay) phải bàn giao tài sản ngay trong ngày, không được phép kéo dài qua hôm sau. Thế nhưng, phía NH B vì không muốn khách hàng tất toán khoản vay, sợ bị mất khách nên cố tình kéo dài thời gian trả tài sản của khách hàng với nhiều lý do”.
"Vấn đề ở đây là đang thiếu vai trò của người cầm trịch. Cụ thể, nếu NHNN ban hành quy trình chung, tức là khi NH A mua nợ của NH B thì trong vòng bao nhiêu tiếng NH B phải trả tài sản cho khách hàng. Chỉ khi nào tất cả NH thực hiện theo một quy trình chung thì khách hàng mới không bị gây khó dễ” - vị lãnh đạo này nói.
(Theo PLO)