Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, nâng cao chất lượng nông sản. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về nông sản "sạch”, các địa phương, chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp là các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: vùng lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha; ngô 15.000 ha; quế trên 81.000 ha; dâu nuôi tằm 1.000 ha; chè 7.000 ha; tre măng Bát Độ gần 6.000 ha; cây sơn tra gần 10.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 90.000 ha; cây dược liệu 4.023 ha…
Tỉnh cũng đã có 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ, gồm: gạo nếp Tú Lệ; chè Shan hữu cơ; bưởi Đại Minh; cam sành Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa; sơn tra; quế hữu cơ và các loại cây dược liệu. Mô hình phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tập quán, trách nhiệm, năng lực của người sản xuất.
Là địa phương có 150 ha chè kinh doanh với trên 300 hộ dân sản xuất chè, trước đây, đa phần người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên canh tác chè theo cách truyền thống song hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Vài năm trở lại đây, thực hiện dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về "Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, người dân đã chuyển từ phương thức truyền thống sang trồng chè hướng hữu cơ, sinh thái, góp phần tạo nên sản phẩm chè sạch, có hương vị thơm ngon. Hiện nay, xã Bảo Hưng đã quy hoạch phát triển được vùng nguyên liệu chè sạch khoảng hơn 40 ha.
Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng - Phạm Văn Bàn chia sẻ: "Để mang đến người tiêu dùng sản phẩm chè sạch, chất lượng, Hợp tác xã chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với các tổ hợp tác và các nhóm hộ sản xuất chè để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu. Chúng tôi thường xuyên giám sát, hướng dẫn và đôn đốc bà con nông dân thực hiện đúng quy trình từ khâu chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và bảo quản. Khi thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến, chúng tôi cũng lựa chọn nghiêm ngặt những sản phẩm được sản xuất theo phương thức hữu cơ hoặc các đồi chè được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP".
Minh chứng cho hiệu quả chất lượng là trong tháng 7 năm 2023, sản phẩm chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng là 1 trong
3 sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên (cùng miến đao Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng; quế điếu thuốc Hòa Cuông của Hợp tác xã quế Khánh Thành) đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất sang thị trường Anh quốc.
Văn Yên được biết đến là
thủ phủ của cây quế, với tổng diện tích trên 55.000 ha. Trong đó, diện tích quế tập trung trên 30.000 ha, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Thời gian qua, huyện đã vận động người dân trồng quế theo vùng tập trung và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm xây dựng thương hiệu cho vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Địa phương dự kiến
tổng diện tích quế hữu cơ thực hiện đến hết năm 2023 là trên 15.110 ha. Đây sẽ là cơ hội tốt để quế Văn Yên vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.
Đồng chí Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để sản phẩm quế sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn, huyện đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh quế, đa dạng hóa các sản phẩm từ quế, phát triển theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Văn Yên thâm nhập vào các thị trường phát triển”.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều sản phẩm đã
vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và doanh thu của các chủ thể kinh tế, góp phần quan trọng quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm.
Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các giải pháp để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn và ổn định, các chủ thể cũng cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến… và tích cực tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu. Thêm vào đó, các chủ thể cần phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu, ứng dụng những giải pháp khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Thanh Chi