Với tinh thần nỗ lực và quyết tâm, Hồng Ca đã tạo điều kiện cho các hộ hoán đổi đất trong vùng quy hoạch, cho mượn, cải tạo diện tích đất… để phục vụ trồng dâu nuôi tằm. Xã đã chú trọng chỉ đạo nhân dân quan tâm thực hiện các biện pháp thâm canh, chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng lá dâu phục vụ nuôi tằm.
Địa phương lựa chọn đơn vị cung ứng tằm giống, đưa giống tằm mới có năng suất và đảm bảo chất lượng vào nuôi; sử dụng thuốc sát trùng nhà tằm, thuốc phòng bệnh tằm theo đúng chủng loại và sử dụng đúng với tuổi tằm để hạn chế dịch bệnh tằm phát sinh, phát triển. Đồng thời, xã tập trung chỉ đạo triển khai áp dụng kỹ thuật cho tằm lên né gỗ ô vuông đã giúp giảm được công lao động và nâng cao chất lượng kén tằm.
Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên đã quan tâm hỗ trợ, giúp các hộ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng dâu nuôi tằm.
Xác định rõ vai trò quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trong trồng, thâm canh dâu và nuôi tằm, UBND xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện, cán bộ kỹ thuật huyện, các thôn vùng quy hoạch trồng dâu tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên cho các hộ trồng dâu nuôi tằm và liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng thử nghiệm các loại giống dâu mới, giống tằm mới để lựa chọn giống dâu, giống tằm phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, các tổ chức đoàn thể xã thông qua chỉ đạo các chi hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thành lập các tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong vụ xuân năm 2023, xã Hồng Ca đã trồng mới 3,1 ha với 8 hộ tham gia. Qua quá trình thực hiện chương trình trồng dâu nuôi tằm và rà soát lại, hiện nay địa phương có 10 ha trồng dâu. Tuy nhiên. một số hộ dân chưa đầu tư chăm sóc, một số diện tích dâu nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi tằm nên diện tích đáp ứng đủ điều kiện để nuôi tằm là 6,5 ha.
Kết quả nuôi tằm vụ xuân ở Hồng Ca có 12 hộ tham gia, số lượng 120 vòng, sản lượng kén đạt 2.100 kg, giá trị thành tiền 300.000.000 đồng. Giá cả kén tằm cơ bản ổn định, dao động từ 120.000 đồng - 170.000 đồng/kg kén tằm.
Có những hộ nuôi tằm đạt kết quả cao như hộ ông Trần Dũng Hòa, hộ bà Nguyễn Thị Chanh, hộ ông Hà Văn Hỏa ở thôn Bản Chiềng; hộ bà Hà Thị Ngoãn ở thôn Đồng Đình; hộ bà Hà Thị Thanh ở thôn Trung Nam. Các hộ chú trọng nắm bắt tốt kỹ thuật nuôi tằm nên cơ bản các lứa tằm nuôi đều có hiệu quả.
Vụ xuân năm 2023, các hộ nuôi tằm ổn định, năng suất đảm bảo yêu cầu, trung bình đạt 15 - 18 kg kén tằm/vòng tằm, nhất là giá cao hơn so với năm 2022. Đầu vụ thu 2023, xã có 13 hộ nuôi, tăng so với vụ xuân 1 hộ là hộ ông Hà Đình Việt ở thôn Đồng Đình. Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất dâu tập trung đã giúp sản lượng kén tằm tăng.
Sản xuất dâu tằm theo hướng hữu cơ đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường. Trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả, thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 2,5 - 3 lần, tạo được chuỗi liên kết giữa các hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén tằm.
Những tháng cuối năm 2023, xã Hồng Ca tiếp tục khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong sản xuất trồng dâu nuôi tằm. Trước hết, địa phương tập trung chăm sóc tốt 10 ha dâu hiện có, đảm bảo năng suất, sản lượng lá dâu nuôi tằm cùng với đẩy mạnh công tác quản lý việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên ruộng dâu, thu gom phân tằm của các hộ nuôi tằm nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh tằm.
Hồng Ca sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất; giữ gìn, bảo vệ môi trường và chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây dâu, nuôi tằm; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm để Chương trình trồng dâu nuôi tằm năm 2023 đạt hiệu quả cao nhất như mong muốn.
Nguyễn Thơm