Những ngày này, tối nào bà con thôn Hát 2, xã Hát Lừu cũng tập trung đến gia đình chị Đào Thị Thùy để sơ chế măng. Đây là loại măng chuyên dùng để muối ớt, tạo thành món măng ớt nổi tiếng của huyện vùng cao Trạm Tấu. Bình quân mỗi người làm 80 - 100 kg, mỗi tối nhà chị Thùy sẽ sơ chế được khoảng 5 - 10 tấn măng ớt, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân địa phương.
Sản phẩm măng ớt Trạm Tấu đã được công nhận xếp hạng OCOP 3 sao năm 2020. Đó là điều kiện để Hợp tác xã (HTX) kinh doanh sản xuất dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy chuyên sản xuất, chế biến mặt hàng này phát triển. Hiện gia đình chị Thùy đã và đang cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước mỗi năm trên 200 tấn măng ớt đóng hộp.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao, thành viên HTX Hưng Thùy luôn đảm bảo yêu cầu nguyên liệu phải tươi, được sơ chế ngay, các khâu chế biến đảm bảo đúng quy trình, an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản. Đó cũng là điều kiện yêu cầu để đảm bảo chất lượng cho 500 tấn sản phẩm măng ớt từ hàng chục cơ sở làm măng ớt trên địa bàn huyện Trạm Tấu cung cấp ra thị trường mỗi năm.
Hiện toàn huyện Trạm Tấu sản xuất 500 tấn sản phẩm măng ớt/năm được sản xuất từ hàng chục cơ sở trên địa bàn.
Cùng với măng ớt, thời điểm này, Trạm Tấu cũng đang vào mùa thu hoạch khoai sọ nương. Khoai sọ năm nay được mùa lại được giá nên bà con rất phấn khởi. Gia đình chị Hảng Thị Xua, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù có 300 m2 khoai, mới thu hoạch 70% diện tích đã thu được 7 triệu đồng, hơn vụ năm trước 2 triệu đồng.
Bản Mù là xã có diện tích khoai sọ lớn nhất huyện với 130 ha, sản lượng mỗi vụ khoảng 14 tấn/ha. Với giá bán 20 - 30 nghìn đồng/kg, cả xã thu gần 40 tỷ đồng/năm. Khoai sọ Bản Mù là sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Vì vậy, những năm qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích và khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP tự giác nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô tập trung.
Cây khoai sọ nương Trạm Tấu còn được phát triển tại các xã Xà Hồ, Bản Công, Trạm Tấu, Pá Lau, Pá Hu và Tà Xi Láng, với tổng diện tích toàn huyện khoảng 600 ha. Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, năm 2023 huyện tiếp tục triển khai các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng trong giai đoạn 2019 - 2021.
Năm 2023 huyện phát triển mới 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh là: sản phẩm du lịch cộng đồng Homestay đồi chè và gạo tẻ đỏ Trạm Tấu. Trạm Tấu phấn đấu hết năm 2023 có 12 sản phẩm OCOP và đều bảo đảm điều kiện đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu, Phòng đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhất là sơ chế khoai sọ, bảo quản sản phẩm, cung cấp cho khách hàng quanh năm để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm khoai sọ nương. Đồng thời, tiếp tục xây dựng thương hiệu các sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị nông phẩm đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, bền vững cho người dân.
Minh Huyền - Mạnh Cường