Lục Yên phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/10/2023 | 7:49:04 AM

YênBái - Lục Yên đã triển khai, định hướng người dân từng bước chuyển đổi phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hữu cơ, bền vững, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Hùng, xã Khánh Hòa - thành viên của HTX Cam sành Lục Yên chăm sóc vườn cam.
Ông Phạm Văn Hùng, xã Khánh Hòa - thành viên của HTX Cam sành Lục Yên chăm sóc vườn cam.

Theo đó, vùng sản xuất cây ăn quả đã được huyện quy hoạch tập trung ở các xã có nhiều diện tích đất đồi núi thấp như: Khánh Hòa, Tân Lĩnh, Minh Xuân, Yên Thắng... với tổng diện tích trên 1.000 ha. Các giống được lựa chọn trồng nhiều trong những năm gần đây chủ yếu là: cam sành, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, mít Thái... 

Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, Lục Yên đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, định hướng người dân lựa chọn các loại giống tốt, sạch bệnh ở các cơ sở sản xuất giống uy tín về phát triển trồng mới, trồng thay thế những diện tích đã già cỗi. 

Đối với các diện tích đang trong thời gian thu hoạch, huyện tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng sản phẩm OCOP tạo thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Điển hình như vùng cam sành của xã Khánh Hòa, hiện nay, phần lớn diện tích đều tham gia trong Hợp tác xã (HTX) Cam sành Lục Yên. Để nâng cao và duy trì chất lượng sản phẩm, HTX đã tập trung áp dụng các chế độ trồng, chăm sóc chỉ sử dụng các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ sinh học. Phân bón cũng sử dụng toàn bộ bằng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ từ chất thải của gia súc và phân xanh hữu cơ được ủ hoai mục kỹ từ thân đậu tương, lạc, cỏ, thân ngô... 

Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc HTX Cam sành Lục Yên cho biết: "HTX đã vận động tất cả các thành viên thực hiện nghiêm việc trồng và chăm sóc cam theo quy trình VietGAP, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép và có nhật ký phun, chăm sóc theo quy định”. 

Với nỗ lực chung, hiện nay, HTX có trên 30 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, sản phẩm của HTX có mặt tại nhiều tỉnh, thành, trung tâm thương mại như: Hapro, BigC, Công ty Nông sản Việt Bắc..., được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm của HTX tiếp tục vươn tới những thị trường khó tính.

Ngoài các mô hình tập thể, các hộ gia đình cũng tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, chất lượng cao. 2 năm trở lại đây, gia đình bà Hoàng Thị Vững ở xã Mường Lai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đầu tư thâm canh vườn thanh long, qua đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định. 

Ông Trần Xuân Sinh ở xã Tô Mậu lại đầu tư trồng cam V2 và bưởi Diễn. Ông Sinh chia sẻ: "Ngay từ đầu, tôi đã xác định phải sản xuất sản phẩm chất lượng thì mới có sức cạnh tranh cao. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu kỹ quy trình chăm sóc. Ngoài chọn giống đảm bảo, chăm sóc hữu cơ, tôi còn đầu tư mấy chục triệu đồng để xây bể tích nước và mua ống đi dẫn nước sạch cách vườn gần 1 km về để tưới cây. Nhờ đó, sản phẩm cam, bưởi của gia đình luôn nhận được người tiêu dùng đón nhận”.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lục Yên đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP như: vùng sản xuất lúa trên 600 ha, lạc đậu hơn 100 ha, cây ăn quả trên 1.000 ha; 3 HTX được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP... và duy trì, nâng cấp 16 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, 7 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, Lục Yên cũng chú trọng đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao để từng bước hướng tới mục tiêu xanh, sạch, hiệu quả, kinh tế bền vững cho nông dân.

Châu Á

Các tin khác
Nhân dân thị trấn nông trường Liên Sơn tham gia kiên cố hóa
đường giao thông nông thôn.

Huyện Văn Chấn đã huy động được các nguồn lực, đặc biệt là sự chung sức của người dân để kiên cố hóa hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Văn Chấn về vấn đề này.

Thời gian qua, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Trạm Tấu đã có nhiều chính sách hỗ trợ các xã, thị trấn phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.

Công nhân Điện lực TP Hạ Long cùng thống nhất với khách hàng ký kết biên bản thỏa thuận và Phụ lục bổ sung hợp đồng về thay đổi ngày ghi chỉ số với khách hàng.

Việc thay đổi lịch GCS được thực hiện trên cơ sở sau khi Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) triển khai lộ trình hiện đại hóa hệ thống công tơ đo đếm điện năng (thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử có đo xa) và chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên kiểm tra mô hình nuôi tằm ở xã Hồng Ca.

Thực hiện Chương trình trồng dâu, nuôi tằm năm 2023, UBND xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể đến các thôn vùng quy hoạch trồng dâu nuôi tằm. Căn cứ chỉ tiêu này, các thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và đất màu bãi, đồi vườn thấp sang trồng mới dâu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục