Điều kiện đất đai phong phú và khí hậu thuận lợi cho nông nghiệp; tuy nhiên, để khai thác tiềm năng này và tận dụng cơ hội xuất khẩu, công tác kết nối nhà cung cấp đã trở thành một yếu tố quan trọng. Theo đó, tỉnh tập trung vào việc đẩy mạnh các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho nhà nông, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, việc xây dựng các liên kết giữa các nhà cung cấp và các doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Không chỉ tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, Yên Bái đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm xuất khẩu của địa phương.
Nhờ việc tận dụng tiềm năng của các loại cây trồng đặc biệt như: trà Shan tuyết, măng và các loại thảo dược quý, tỉnh Yên Bái đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu. Các chương trình hỗ trợ về tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất đã giúp nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm này, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để tạo ra sự kết nối hiệu quả giữa nhà cung cấp và doanh nghiệp xuất khẩu, Yên Bái đã xây dựng mạng lưới kết nối bao gồm các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và các triển lãm thương mại,
hội nghị kết nối giao thương.
Các sự kiện này không chỉ mang lại cơ hội trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu để tìm kiếm nhà cung cấp địa phương uy tín mà còn tạo ra một môi trường chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các bên liên quan.
Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) chuyên sản xuất các sản phẩm về gỗ, tre măng Bát độ và giống tre măng Bát độ. Hiện nay, Công ty xuất khẩu các sản phẩm măng sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản; sản phẩm gỗ sang thị trường Malaysia và Hàn Quốc. Trong thời gian qua, bên cạnh việc chủ động tìm kiếm thị trường, Công ty được tham gia nhiều các hội nghị kết nối giao thương, các đợt trưng bày sản phẩm do Sở Công Thương chủ trì, kết nối.
Bà Lê Thu Hà - đại diện Công ty chia sẻ: "Với mỗi lần tham gia, Công ty mong muốn tất cả những sản phẩm của mình cũng như đặc sản của địa phương mang đến gần với nhiều người tiêu dùng và kết nối được với nhiều đơn vị xuất khẩu. Những biên bản ghi nhớ giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu có ý nghĩa rất lớn đối với Công ty, các nhà sản xuất như chúng tôi”.
Hợp tác xã Nông lâm thủy sản Khánh Thiện, huyện Lục Yên đang có 2 sản phẩm OCOP nếp cái Làng Mô và cốm Khánh Thiện. Bà Hoàng Thị Hiền - đại diện HTX chia sẻ: "Trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, HTX còn gặp một số khó khăn trong tiếp cận với thị trường, khách hàng, chưa có nhiều kênh phân phối. Thông qua các hội nghị kết nối giao thương, các đợt xúc tiến thương mại, chúng tôi mong muốn quảng bá được sản phẩm tới người tiêu dùng, liên kết với các doanh nghiệp đưa sản phẩm đến với khách hàng nhiều tỉnh hơn nữa, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để đưa sản phẩm tiến xa hơn nữa”.
Thời gian qua, Sở Công Thương, các đơn vị liên quan đã tích cực hỗ trợ các đơn vị sản xuất của tỉnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thông qua chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại; các thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài tổ chức
Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh khu vực Tây Bắc và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa; tạo cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tìm ra giải pháp hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khắc phục những hạn chế tồn tại của doanh nghiệp; cải tiến phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường các nước.
Đồng thời, tăng cường thúc đẩy giao thương mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường các nước như: UAE, Pakistan, Trung Quốc. Đặc biệt, tại Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử như Alibaba, Postmart, Tiktok…
Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện Tiktok Việt Nam chia sẻ: "Được tham gia Hội nghị kết nối giao thương kết nối các nhà cung cấp tại Yên Bái, chúng tôi thấy được tiềm năng rất mạnh về sản phẩm nông đặc sản của Yên Bái, cũng như các tỉnh trong khu vực. Trong thời gian qua, Tiktok tổ chức rất nhiều các phiên chợ nông sản rất hiệu quả tại nhiều địa phương với sự tham gia của các Tiktoker nổi tiếng, các Hot KOL đã thú hút sự quan tâm và sản lượng tiêu thụ rất lớn.
Chúng tôi cũng rất hy vọng tương lai gần có chợ phiên các sản phẩm OCOP của Yên Bái trên nền tảng tiktok từ đó giá trị văn hoá, điểm đến, con người cũng như những nông đặc sản của Yên Bái được biết đến nhiều hơn. Mỗi chợ phiên OCOP trên nền tảng Tiktok, mỗi sản phẩm có thể sự tiếp cận với lượng người cực lớn từ 5 triệu đến 20 triệu người”.
Nhờ sự đẩy mạnh công tác kết nối nhà cung cấp, Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kinh tế. Sản lượng xuất khẩu đã tăng đáng kể, mang lại lợi ích kinh tế cao. Đồng thời, việc xây dựng mô hình kết nối nhà cung cấp này còn tạo ra cơ sở vững chắc để tiếp tục mở rộng và phát triển ngành xuất khẩu trong tương lai.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức mà Yên Bái phải đối mặt. Đó là, việc duy trì chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đồng thời, việc tìm kiếm thị trường mới và mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy vậy, với sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các bên liên quan, Yên Bái đang đẩy mạnh công tác kết nối nhà cung cấp, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành xuất khẩu trong khu vực.
Thanh Ba