Trạm Tấu phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh đặc trưng

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/11/2023 | 7:52:50 AM

YênBái - Từ định hướng, quy hoạch cụ thể, rõ ràng, thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã lựa chọn, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm OCOP gắn với các cây, con đặc sản địa phương. Đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm OCOP 3 sao; trong đó, nhiều sản phẩm đã hình thành chuỗi liên kết giá trị, tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao.

Sơ chế măng ớt Trạm Tấu tại Hợp tác xã Kinh doanh, sản xuất dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy, thị trấn Trạm Tấu.
Sơ chế măng ớt Trạm Tấu tại Hợp tác xã Kinh doanh, sản xuất dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy, thị trấn Trạm Tấu.

Nhận thấy tiềm năng, giá trị từ cây khoai sọ nương, huyện Trạm Tấu đã quy hoạch, tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa nương, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong huyện và sự hưởng ứng tích cực của người dân, diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu ngày càng tăng. 

Đến năm 2020, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được công nhận OCOP 3 sao, với giá trị, thị trường được mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: nếu như năm 2020 toàn huyện chỉ có 80 ha thì đến nay diện tích khoai sọ đã được nâng lên 600 ha. Với năng suất bình quân 140 tạ/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc-ta khoai sọ đem về cho nông dân trên 150 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, giúp nhiều hộ đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích khoai sọ lên 1.000 ha vào năm 2025; đồng thời, tăng cường đầu tư, xúc tiến quảng bá, đưa sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vào các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử.


Cùng với khoai sọ nương thì cây măng lay mọc trên các triền núi cao cũng được huyện Trạm Tấu lựa chọn, phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, dự kiến trong năm 2023 sẽ có thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao là Gạo tẻ đỏ Trạm Tấu và Điểm du lịch Homestay Đồi Chè. 

Ông Hoàng Văn Hưng - Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh, sản xuất dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy, thị trấn Trạm Tấu cho biết: "Loại măng này dường như sinh ra để dành cho muối ớt, ăn rất ngon, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Trước đây, bà con chỉ làm măng ớt dùng trong gia đình nên ít được thị trường biết đến. Nhận thấy tiềm năng to lớn này, Hợp tác xã đã đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP Măng ớt Trạm Tấu. Hiện, Hợp tác xã đã và đang cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước mỗi năm trên 200 tấn măng ớt đóng hộp và tạo việc làm thời vụ cho trên 30 lao động địa phương. Hợp tác xã luôn bảo đảm yêu cầu nguyên liệu phải tươi, được sơ chế ngay, các khâu chế biến đúng quy trình, an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản”. 

Được biết, để đảm bảo duy trì bền vững vùng nguyên liệu, chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân chỉ tập trung thu hoạch trong vòng 1 tháng; đồng thời, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Trạm Tấu đã có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Các sản phẩm này đều được lựa chọn, xây dựng và phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương như: chè Shan tuyết Phình Hồ, gạo nếp cẩm nương Trạm Tấu, tinh dầu xả Trạm Tấu, du lịch suối khoáng nóng... 

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn rà soát các sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của địa phương. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình. Nhờ đó, đã khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường”. 

Qua đánh giá, hầu hết các sản phẩm OCOP đều phát triển tương đối ổn định về số lượng hàng hóa sản xuất bán ra thị trường như: sản phẩm Chè Shan tuyết Phình Hồ của Công ty cổ phần Minh Thành mỗi năm sản xuất và tiêu thụ trên 20 tấn chè khô; Tinh dầu xả Trạm Tấu HTX Hương Chanh trung bình mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 2 - 2,5 tấn. Ngoài ra, các sản phẩm khác đa số sản xuất theo thời vụ đều tăng từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, để tiếp tục đưa Chương trình OCOP huyện Trạm Tấu trở thành chương trình kinh tế nông nghiệp quan trọng, huyện tiếp tục rà soát các sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP; đôn đốc, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Chương trình đăng ký sản phẩm OCOP; lựa chọn các sản phẩm có khả năng đạt 3 sao trở lên, đăng ký ý tưởng sản phẩm, triển khai phương án kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh...
             
 Hùng Cường

Tags Trạm Tấu sản phẩm OCOP khoai sọ gà đen măng ớt

Các tin khác
Tập huấn hỗ trợ cho doanh nghiệp tại Chi cục Thuế thành phố Yên Bái.

Giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, từng bước vươn lên phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD), năm 2023, nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Lê Văn Tuấn ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh cho thu nhập ổn định.

Qua hơn nửa nhiệm kỳ đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công do vướng mắc cột điện, cột viễn thông.

Hàng chục cột điện, cột viễn thông nằm trong lòng đường, rãnh đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và "cản trở” tiến độ thi công Dự án cải tạo đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) là hình ảnh không khó nhận thấy đoạn qua xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cũng như một số xã huyện Văn Yên nơi tuyến đi qua. Liên quan đến tình trạng này, các sở, ngành, địa phương và các bên liên quan đã tổ chức họp, đối thoại để bàn phương án, nhưng đến nay những chiếc cột điện, cột viễn thông này vẫn "chây ỳ” trên đường.

Sản xuất hạt nhựa phụ gia tại Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam.

Hiện tại, ngành công thương cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung các giải pháp cho giai đoạn "nước rút” và nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt, vượt kế hoạch đề ra; đồng thời, để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục