Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có bước tiến vượt bậc với những dấu mốc quan trọng, từ đối tác toàn diện năm 2001 đến đối tác chiến lược năm 2009 và đối tác chiến lược toàn diện năm 2022. Hàn Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong tổng số hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Bám sát các chỉ đạo của trung ương, Yên Bái luôn xác định Hàn Quốc là một trong những thị trường truyền thống, là đối tác, nhà đầu tư chiến lược, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, những năm qua, Yên Bái đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp.
Các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư được tỉnh chỉ đạo tháo gỡ theo hướng thực chất, hiệu quả. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi đến nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 5 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc đang thực hiện với tổng vốn đăng ký 249,88 triệu USD, tương đương 5.772 tỷ đồng. Các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, đóng góp ngân sách nhà nước tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Có thể kể đến như Dự án Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - Chi nhánh Yên Bái; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy may mặc xuất khẩu; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy may xuất khẩu 1,5 triệu sản phẩm/năm; Dự án đầu tư Nhà máy may xuất khẩu Unico Global YB.
Ngoài hợp tác với các đối tác Hàn Quốc thông qua việc triển khai các dự án đầu tư, tỉnh Yên Bái đã tăng cường hợp tác với Hàn Quốc thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động, hợp tác về giáo dục đào tạo và y tế.
Từ năm 2010-2023, Yên Bái đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 3 dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục với tổng mức đầu tư trên 53,3 triệu USD, tương đương trên 1.151 tỷ đồng (trong đó vốn ODA 46,3 triệu USD, tương đương 974,814 tỷ đồng).
Nhiều dự án trong số đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của địa phương như: Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái với quy mô 500 giường bệnh; Dự án "Nâng cao năng lực và Hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống quản lý bệnh viện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái”; Dự án "Hỗ trợ trang thiết bị cho một số trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của tỉnh Yên Bái”.
Ở cấp địa phương, huyện Yên Bình đã thiết lập quan hệ hợp tác với quận Yecheon, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc; huyện Văn Yên đã hợp tác với quận Wando, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc.
Còn nhiều dư địa để hợp tác
Với vị trí là địa bàn trung điểm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Yên Bái có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thương với các trung tâm kinh tế, các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế quan trọng như Hà Nội, cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài, cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc.
Yên Bái có tài nguyên thiên nhiên phong phú, gồm: khoáng sản, rừng, du lịch, hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, chính quyền năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi, dễ dàng trong tiếp cận đất đai, công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn, chi phí đầu tư thấp…
Tỉnh Yên Bái hiện có 4 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích trên 966 ha bao gồm: Khu công nghiệp phía Nam diện tích 400ha, Khu công nghiệp Minh Quân diện tích trên 107ha và Khu công nghiệp Âu Lâu diện tích 120ha, khu công nghiệp Trấn Yên với diện tích 339ha.
Các khu công nghiệp này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, cơ bản được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giải phóng mặt bằng, đường giao thông, đường điện, nước…
Đặc biệt,
Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển, là căn cứ để các ngành, các địa phương triển khai thực hiện; là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp bỏ vốn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là những điều kiện quan trọng và là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư đến đầu tư, kinh doanh tại Yên Bái.
Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Yên Bái còn nhiều dư địa để hợp tác với nhà đầu tư Hàn Quốc, là điểm đến hấp dẫn tiềm năng. Trong đó, Yên Bái đã và đang được quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thuận lợi, khu cụm công nghiệp còn dư địa, nguồn nhân lực dồi dào, cảnh quan hùng vĩ, sơ khai.
Cục Đầu tư nước ngoài cam kết đồng hành cùng tỉnh Yên Bái, nhà đầu tư Hàn Quốc sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới
Trong lần khảo sát, tìm hiểu doanh nghiệp và đầu tư ngành công nghiệp tại Yên Bái, ông Kee Heon Cho - Tiến sỹ kinh tế học/Kỹ sư hóa học, Chuyên gia thẩm định giá công nghệ & doanh nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội thẩm định giá công nghệ và doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng: Yên Bái có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, nhất là về nông, lâm sản, du lịch.
Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, máy móc, chế biến sâu nông sản để phát triển một cách bền vững, thân thiện với môi trường. Qua tìm hiểu và tham quan thực tế, phía bạn cũng cũng quan tâm đến một số ngành công nghiệp như: khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm; ngành dệt may, du lịch…
Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức
Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc (Gặp gỡ Hàn Quốc 2023) thu hút trên 50 công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng; các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Yên Bái.
Đây là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn về cơ hội, tiềm năng, lợi thế của Yên Bái; hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh cũng như trách nhiệm của mình khi đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đánh giá cao tiềm năng thế mạnh của Yên Bái; nhất là về giao thông, nguồn nhân lực, và cho rằng đây là cơ hội để hai bên hợp tác kết nối trong một số lĩnh vực.
Ông Ko Tea Yeon - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam thực sự rất ấn tượng về hạ tầng giao thông của tỉnh Yên Bái. Ông cho rằng, Yên Bái cần xác định tiềm năng, thế mạnh để tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư và gặp gỡ các doanh nghiệp, đơn vị nước ngoài.
Qua tìm hiểu tiềm năng thế mạnh của Yên Bái, các nhà đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu sẽ đầu tư vào Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng với những lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch, sản xuất linh kiện điện tử, thủ công mỹ nghệ truyền thống, lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc y tế…
Tỉnh Yên Bái cần quảng bá, chia sẻ hình ảnh, tiềm năng, lợi thế qua nhiều kênh thông tin đại chúng để các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu và biết đến để thu hút đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và các doanh nghiệp trên thế giới nói chung.
Tại Hội nghị đã có nhiều thỏa thuận hợp tác về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giao lưu kinh tế, du lịch, y tế... đã được ký kết. Đây là bước khởi đầu và là dấu ấn quan trọng, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư cũng như mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa giữa tỉnh Yên Bái với các tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc, Hải Phòng trong thời gian tới.
Để khai thác tối đa lợi thế, thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Yên Bái tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư nói chung, cũng như các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó ưu tiên thu hút các lĩnh vực, ngành nghề công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp chế biến, hỗ trợ, điện tử, các dự án có quy mô lớn, giá trị cao; sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện mới môi trường, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm đất đai.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: "Với quan điểm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo phát triển; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng tin tưởng, yên tâm đầu tư vào tỉnh”.
Thu Trang