Yên Bái tạo tiền đề sáng tạo, bứt phá nhanh trong năm 2024

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/12/2023 | 8:07:13 AM

YênBái - Yên Bái đứng thứ nhất trong 14 tỉnh của khu vực và đứng thứ 4/57 tỉnh, thành cả nước được bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương về tỷ lệ giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia, xuất khẩu nhiều tín hiệu vui, du lịch nội địa một năm bứt phá... Đó là tiền đề cho những sáng tạo, bứt phá nhanh trong năm 2024.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở đường thu hút đầu tư, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở đường thu hút đầu tư, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

ĐỒNG LÒNG, CHUNG SỨC, CÀNG QUYẾT TÂM CAO 

Năm 2023 là một năm có không ít khó khăn đặt ra đối với quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh Yên Bái. Dù khó khăn nhưng khó khăn đến đâu, khó khăn như thế nào thì tỉnh luôn thống nhất chủ trương, xuyên suốt quan điểm là phải nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất để vượt qua và hoàn thành các nhiệm vụ của năm. Tinh thần này đã lan tỏa, thống nhất, quán triệt và tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong cộng đồng doanh nghiệp, trong nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. 

Yên Bái đã tập trung phát huy các yếu tố thuận lợi, cơ hội cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các nguồn vốn đầu tư công và các đề án, chính sách của tỉnh đã ban hành để thực hiện nhiệm vụ. 

Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế Yên Bái vẫn tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành trong cả nước: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của năm 2023 ước đạt 6%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành toàn quốc. 

Dự ước hết năm 2023, tỉnh có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 17 chỉ tiêu đạt, 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt. Những kết quả này được đánh giá là khá toàn diện, mang những dấu ấn quan trọng và điểm nhấn nổi bật. 

Đến hết tháng 11/2023, Yên Bái đứng thứ nhất trong 14 tỉnh của khu vực và đứng thứ 4/57 tỉnh, thành cả nước được bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương về tỷ lệ giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia: nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 90%, nguồn vốn sự nghiệp ước đạt 20%. 

Năm 2023, tỉnh cũng đã khởi công 2 công trình giao thông trọng điểm kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cơ bản hoàn thành 3 công trình, nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên 23,3%. 

Bối cảnh khó khăn chung đã đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, chưa kể trên địa bàn tỉnh xảy ra thiên tai nặng nề ở huyện Mù Cang Chải, rồi nắng nóng kéo dài, thị trường của một số mặt hàng xuất khẩu bị thu hẹp… 

Tuy nhiên, khó khăn càng thúc đẩy cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc Yên Bái phải tiếp tục vượt qua, không một chút e ngại hay chùn bước. Trong năm, tỉnh đã có thêm 330 doanh nghiệp, 102 hợp tác xã, 500 tổ hợp tác thành lập mới; tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 60 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.500 tỷ đồng và 20,4 triệu USD. 

Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm, huy động các nguồn lực xây dựng đã tích cực thu hút các dự án đầu tư. Nhờ đó, đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, thiết thực đưa tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng, so với kế hoạch là 50 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 ước giảm 3,76% so kế hoạch 3,5%; riêng huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm trên 6,5%. 

Đặc biệt, toàn tỉnh đã làm mới, sửa chữa 1.598 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, đạt 100% kế hoạch. Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thiết thực báo công Bác, dâng Bác kính yêu thành quả to lớn: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thành phố Yên Bái được công nhận là đô thị loại II. Chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2023 ước đạt 65,62%, vượt so với kế hoạch đề ra là 63,3%. Quê hương, con người, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của Yên Bái ngày càng vươn cao, vươn xa.

Năm 2023 tiếp tục tạo thêm cơ sở, nền tảng và động lực quan trọng để Yên Bái vững bước vào năm 2024. Nghiêm túc nhìn lại những kết quả đã đạt được, xác định rõ những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức và tự tin cùng nhau nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. 

XUẤT KHẨU HÀNG HÓA NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn của nền kinh tế, song với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Yên Bái năm 2023 vẫn ước đạt 355 triệu USD, tăng 1,4% so kế hoạch, tăng 19% so năm 2022. 

Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình chuyên sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm sản xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 25.000 tấn măng các loại, 10.000 m3 gỗ các loại, doanh thu khoảng 170 tỷ đồng, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan. 


Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình phân loại sản phẩm măng sấy. 

Xác định năm 2023 là năm vẫn rất khó khăn, Công ty luôn đề cao và phát huy tinh thần lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; liên kết với 12 hợp tác xã, tổ hợp tác theo hình thức sản xuất chuỗi giá trị từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm xuất khẩu ở tất cả các địa phương trong tỉnh; mở rộng vùng nguyên liệu năm 2023 lên 4.000 - 5.000 ha tre măng Bát độ tại tỉnh Sơn La để xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng nguyên liệu phát triển, người nông dân có việc làm, thu nhập ổn định. 

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Ngay đầu năm, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành, đồng thời xác định những việc cần làm ngay là tập trung triển khai các phong trào thi đua lao động, sản xuất trong từng phân xưởng, tạo khí thế sôi nổi hoàn thành tốt nhiệm vụ”. 

Công ty TNHH Nasaki huyện Yên Bình chuyên kinh doanh bột đá xuất khẩu và sản xuất ngói màu Nasaki, tấm ốp nano. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 4.000 tấn bột đá siêu mịn. Những tháng cuối năm, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song Công ty vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Bà Nguyễn Thị Khuyên - Giám đốc Công ty cho biết: "Công ty luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác; cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới; đồng thời tận dụng tối đa Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia để tạo đơn hàng xuất khẩu mới”.

Trên lĩnh vực xuất khẩu, toàn tỉnh có khoảng 90 doanh nghiệp; trong đó có 18 doanh nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, 4 doanh nghiệp sản xuất nhựa, 3 doanh nghiệp may mặc, 45 doanh nghiệp khoáng sản, xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ và hơn 30 thị trường khác. 

Năm 2023, công tác xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu phục hồi tốt, dự ước giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 355 triệu USD, đạt 101,4% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ. 

Tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng nông - lâm sản và chiếm tỷ trọng cao nhất 44%, tăng 42% so cùng kỳ, tương đương 45,84 triệu USD. 

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết: "Sở đã tham mưu cho tỉnh thành lập tổ công tác khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu; chủ trì tổ chức 3 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu, trọng tâm là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm quế, chè. 

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tập trung hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Bản thân các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân trồng các loại nông sản theo quy trình quốc tế. Đây chính là yếu tố tạo nên kết quả tích cực trong hoạt động xuất hàng hóa năm 2023 của Yên Bái”. 

DU LỊCH YÊN BÁI MỘT NĂM BỨT PHÁ

Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ có những giải pháp kích cầu thị trường, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị trường khách du lịch tiềm năng... nên ngành du lịch Yên Bái đã phục hồi, bứt phá nhanh và đạt được những kết quả tích cực. 

Bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: "Yên Bái từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Yên Bái ngày một đông”. 


Nghệ thuật trình diễn khèn Mông của tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương. 

Cùng với đó, tỉnh định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, nâng chất lượng sản phẩm du lịch hiện tại, phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh; hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong khu vực, tạo ra tính hấp dẫn cao, xây dựng hình ảnh và thương hiệu riêng có của Yên Bái: "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”. 

Trong năm, các biện pháp kích cầu, mở cửa lại hoạt động du lịch được tỉnh thực hiện đồng bộ, linh hoạt. Các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ấn tượng vào khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, điểm nhấn đặc biệt ấn tượng để thu hút khách. 

Nhiều hoạt động du lịch, lễ hội cũng đồng loạt diễn ra tại các địa phương trong tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12 với những nét đặc trưng, như: Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông; Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà huyện Yên Bình; chương trình du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa với rừng rêu huyền thoại, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu nở tím bạt ngàn của huyện Trạm Tấu; chương trình du lịch "Về miền đất Ngọc” lần thứ IV; các hoạt động du lịch "Mùa nước đổ”… 

Hàng loạt các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch đã được các địa phương tổ chức thành công khiến cho Yên Bái trở thành điểm đến mới thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt hơn khi Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông tỉnh Yên Bái mới đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn cũng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian sẽ ngày càng thu hút nhiều khách du lịch đến với Yên Bái.

Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, Mù Cang Chải đã xây dựng và đưa vào khai thác một số loại hình du lịch phù hợp với địa hình, khí hậu, cảnh quan và văn hóa như: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch khám phá. 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu "Xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, An toàn, Thân thiện” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hoạt động du lịch của địa phương đã có bước chuyển mình, khởi sắc. Sau 2 năm, tỷ trọng khu vực dịch vụ trung bình đạt 35% trong cơ cấu kinh tế; 11/16 chỉ tiêu của Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức đến năm 2025”. 

Còn đối với thị xã Nghĩa Lộ - nơi có Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội Hạn Khuống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cùng nhiều nét tinh hoa của văn hóa bản địa đã tạo ra những đặc trưng của mảnh đất miền Tây. Xây dựng du lịch từ văn hóa bản địa là mục tiêu mà thị xã Nghĩa Lộ đã và đang thực hiện để làm nên thương hiệu của thị xã miền Tây trong bản đồ du lịch Việt Nam. 

Nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp kích cầu du lịch, mở cửa lại hoạt động du lịch đồng bộ, ngành du lịch Yên Bái đã đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2023. Toàn tỉnh ước đón 1,9 triệu lượt khách, bằng 126,7% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 118,5 kế hoạch. 

Trong năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2022 - 2030”; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các đề án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Yên Bái thân thiện, mến khách, bản sắc, hấp dẫn và phát triển bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế chung toàn tỉnh. 

LAN TỎA NHỮNG NIỀM VUI

■ Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: 



Đồ án Quy hoạch tỉnh Yên Bái có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, tầm nhìn đột phá, chiến lược, tạo ra khung hành lang pháp lý để các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Quy hoạch được lập trên phạm vi toàn tỉnh, tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực. 

Tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên; đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc. 

■ Ông Đỗ Văn Tới - Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái:



Việc thành phố Yên Bái chính thức được công nhận là đô thị loại II là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển, mở ra thời cơ và vận hội mới. Bộ mặt thành phố không ngừng đổi thay, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, ngày càng khẳng định thế mạnh của kinh tế đô thị, là đầu tàu, động lực của tỉnh; thương mại dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, người dân thuận tiện trong việc giao thương, mua bán hàng hóa. 

Đặc biệt, tôi thấy hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục có bước phát triển với nhiều công trình có quy mô lớn được đầu tư đưa vào sử dụng ngay như trên địa bàn phường tôi đây có mấy cây cầu bắc qua sông Hồng. 

Công tác quản lý đô thị được tăng cường nhất là trong quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý không gian, cảnh quan, qua đó tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố ngày càng khang trang, sáng xanh, sạch đẹp hơn. Thêm một việc nữa mà tôi thấy rất hài lòng là công tác chuyển đổi số được triển khai thực hiện với nhiều cách làm bài bản, sáng tạo, tạo chuyển biến đột phá trong xây dựng chính quyền và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

■ Ông Nguyễn Khánh Hòa, thôn Vạn Xuân, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình:



Nông thôn mới đã làm đổi thay rất nhiều bộ mặt nông thôn, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Nhiều tuyền đường liên thôn, liên xóm được mở rộng, bê tông hóa và kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa. 

Điều quan trọng hơn cả là người dân chúng tôi được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ có sự hỗ trợ đồng bộ đó đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, mở mang kinh doanh các ngành nghề dịch vụ tạo, việc làm, nâng cao thu nhập.

■ Anh Lý Tòn Siết, thôn Suối Bắc, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn: 



Gia đình tôi là 1 trong số 3 hộ dân của xã được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà mới năm 2023. Ngoài số tiền hỗ trợ này, gia đình tôi được thêm sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện, xã, nhà hảo tâm. 

Sau hơn 2 tháng thi công ngôi nhà cấp 4 kiên cố với diện tích gần 100 m2 đã hoàn thành với tổng giá trị trên 200 triệu đồng. Tôi cảm ơn các cấp, các ngành của tỉnh, huyện và xã đã hỗ trợ cho gia đình tôi có ngôi nhà mới. Gia đình tôi hứa sẽ cố gắng lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.    

Nguyễn Thơm- Thanh Tân- Hồng Duyên

Các tin khác
Sản phẩm rượu dâu Việt Thành của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Việt Thành, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên.

Tỉnh đoàn đã hỗ trợ, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ và được đánh giá đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tạo thêm việc làm cho nhiều thanh niên.

Đồng chí Nguyễn Hùng Sơn – Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái trao giải Nhất “Hóa đơn may mắn” quý III/2023.

Chiều 14/12, Cục Thuế Yên Bái tổ chức Lễ trao thưởng Chương trình “Hóa đơn may mắn ” đối với các cá nhân, hộ kinh doanh đã may mắn trúng thưởng tại Chương trình quý III/2023.

Giá xăng RON95 giảm lần thứ 5 liên tiếp

Giá xăng dầu trong nước hôm nay (14/12) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành theo hướng giảm, trong đó xăng RON95 tiếp tục giảm lần thứ 5 liên tiếp.

Đất đai trên địa bàn huyện Văn Yên được quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

Huyện Văn Yên đã tăng cường chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục