Quế là cây trồng có giá trị, thu nhập cao. Chính vì thế, diện tích của cây trồng này không ngừng được mở rộng trong thời gian qua. Kéo theo đó, là sự xuất hiện hàng loạt các vườn ươm quế giống. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít vườn ươm, cơ sở cây giống được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép thì có rất nhiều vườn ươm hoạt động không phép, chất lượng cây giống trôi nổi, không đảm bảo.
Ghi nhận tại huyện Văn Yên - nơi có diện tích quế lớn nhất tỉnh cho thấy, trong số trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống cây trồng lâm nghiệp (chủ yếu là cây quế), mới chỉ có 5 cá nhân, tổ chức có giấy phép SXKD, còn lại hoạt động tự phát.
Hai năm gần đây, do khủng hoảng thừa của cây quế giống ở khắp mọi nơi và khoảng 10 triệu cây quế giống đang chật vật tìm nguồn tiêu thụ. Các vườn ươm chỉ xuất bán được từ 10% đến 30% số lượng cây giống.
Còn tại huyện Trấn Yên, qua khảo sát hiện có hơn 500 cơ sở, hộ dân tham gia SXKD giống cây trồng lâm nghiệp nhưng chỉ có 19 cơ sở được cấp giấy phép, còn lại gần 500 cơ sở sản xuất giống cây trồng bán tự do trên thị trường.
Ông Nguyễn Đình Thịnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trấn Yên cho biết: "Hằng năm, đơn vị vẫn thường xuyên đôn đốc kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh giống tại các cơ sở, nhất là các cơ sở tự phát. Tuy nhiên, hầu hết các vườn ươm này đều do người dân tự làm với quy mô nhỏ lẻ, tạm thời theo thời vụ; mô hình vườn ươm tự xây dựng, thiết kế theo kinh nghiệm và nhu cầu. Nhiều hộ SXKD giống không đăng ký kinh doanh, chưa tuân thủ quy định về quy trình sản xuất giống theo chuỗi hành trình, cây giống sản xuất ra không lấy từ nguồn giống được tuyển chọn, chủ yếu tự thu mua hạt giống ở các vùng lân cận”.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 1.066 cơ sở SXKD giống cây trồng lâm nghiệp gồm 9 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân. Mặc dù vậy, số cơ sở SXKD được cấp phép rất khiêm tốn, chỉ có 77 cơ sở. Bên cạnh đó, trong tổng số các cơ sở SXKD giống cây trồng chỉ có 285 vườn cố định và gần 800 vườn ươm tạm thời.
Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý giống cây lâm nghiệp và ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành kinh tế rừng. Tuy nhiên, chấn chỉnh tình trạng này là điều không dễ.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do người dân thiếu hợp tác, nhiều cơ sở bao biện là sản xuất quy mô hộ gia đình, phục vụ trồng rừng của mình chứ không kinh doanh. Hơn nữa, thói quen và nhu cầu mua giống cây trôi nổi, giá thấp chính là nguyên nhân phát triển các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tự phát.
Một khó khăn nữa trong công tác quản lý là tại cấp huyện, xã, lực lượng chuyên trách lâm nghiệp rất mỏng, nhiều địa phương không có biên chế cán bộ lâm nghiệp nên việc quản lý chưa chặt chẽ, thiếu tính chủ động, chỉ thực hiện khi có văn bản chỉ đạo của cấp tỉnh. Nhiều địa phương vẫn coi việc quản lý giống cây trồng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Tỉnh đang đặt mục tiêu, từ nay đến 2025 và định hướng đến năm 2030, phấn đấu tỉ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95% trở lên. Do vậy, thời gian tới, để kiểm soát giống cây lâm nghiệp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt những quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ chất lượng theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính; tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực lâm nghiệp.
Khuyến khích thực hiện quản lý chất lượng giống theo chuỗi đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống trước khi đưa vào trồng rừng; tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về SXKD giống cây trồng lâm nghiệp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng nguồn cây giống tại các cơ sở uy tín được cấp phép và người sản xuất cây giống cần tuân thủ các yêu cầu nhằm bảo đảm chất lượng giống cây lâm nghiệp.
Hùng Cường