Thông tin tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 340 doanh nghiệp thành lập mới đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 3.180 doanh nghiệp (DN). Yên Bái hiện có 617 dự án (trong đó 39 dự án FDI) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên trên 90.000 tỷ đồng và 283 triệu USD.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 1.330 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,67% tổng thu cân đối trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 48.000 lao động với mức thu nhập bình quân là 7,5 - 7,7 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh cũng đã tiếp nhận trên 24 tỷ đồng của các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Nhằm hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), với mục tiêu chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chương trình "Cà phê doanh nhân” không ngừng được duy trì, đổi mới và đã phát triển thành phong trào "Ngày cuối tuần cùng doanh nghiệp” dưới nhiều hình thức tổ chức đa dạng.
Năm 2023, Chương trình "Cà phê doanh nhân" đã nhận được gần 80 ý kiến, kiến nghị của 54 DN, HTX trên địa bàn tỉnh về các nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: tín dụng, thuế, phí lệ phí, chính sách bảo hiểm xã hội; bình ổn giá nguyên, nhiên liệu; lao động, hỗ trợ đào tạo nghề; giao thông, nông nghiệp, lĩnh vực tài nguyên môi trường... Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành đã giải đáp trên 50 ý kiến, kiến nghị. Qua đó giúp các cấp, các ngành kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, HTX, tạo động lực, thúc đẩy các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành với DN để cùng phát triển.
Trong không khí cởi mở, thân thiện, các DN, doanh nhân đã thẳng thắn trải lòng về những khó khăn, trăn trở trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, có ý kiến cho rằng, hiện nay các điều kiện cần và đủ trong một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết của HĐND nằm ngoài "tầm với” của doanh nghiệp, vì vậy đề nghị tỉnh điều chỉnh để doanh nghiệp có thể được tiếp cận chính sách dễ dàng hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho DN về đất đai để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN gặp khó khăn được chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội; đề nghị có chế tài quản lý vùng nguyên liệu…
Sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trả lời cụ thể các vướng mắc, kiến nghị và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh để DN phát triển.
Tại Hội nghị, các DN, doanh nhân đã thẳng thắn trải lòng về những khó khăn, trăn trở trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, đồng hành với DN, triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Xác định doanh nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan…Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh...
Cùng với đó, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, chương trình "Cà phê doanh nhân”, đa dạng hóa các hình thức đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh... để đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thanh Chi – Đức Toàn