Công ty TNHH Thanh Bình: Gương mặt mới trong bảng vàng thành tích nộp thuế

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ấn tượng đầu tiên về Công ty TNHH Thanh Bình (phường Hồng Hà - thành phố Yên Bái) là bài phát biểu của Giám đốc trẻ Bùi Văn Dân trong buổi gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2006 do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức. Lời khẳng định năm 2007, Công ty sẽ nộp ngân sách trên 3,5 tỷ đồng và đảm bảo việc làm ổn định cho trên 200 công nhân cứ làm tôi nhớ mãi.

Mặc dù 3,5 tỷ đồng nộp ngân sách chưa phải là con số lớn, nhưng với một doanh nghiệp mới được thành lập ở một tỉnh nghèo như Yên Bái thì quả là rất đáng mừng.

Được thành lập từ tháng 6/2001, có thể nói Công ty TNHH Thanh Bình là một trong những doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất năng động, là gương mặt đầy triển vọng trong SXKD của tỉnh. Năm 2005, tổng doanh thu của Công ty đạt 25 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,6 tỷ đồng. Năm 2006, doanh thu đã tăng lên 28 tỷ đồng, nộp ngân sách 2 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho 73 người, với mức lương bình quân 1,6 – 2 triệu đồng/người/tháng.

Để SXKD phát triển ổn định và bền vững, Ban giám đốc Công ty luôn trăn trở để tìm hướng đi. Giám đốc Bùi Văn Dân cho biết: Doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với thực tế và từng thời kỳ, đổi mới công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh. Tiếp tục đầu tư công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực có đủ trình độ và tay nghề cao để thi công tốt các công trình xây dựng cơ bản. Trung thành với mục tiêu đã chọn, Công ty tập trung thi công các công trình giao thông, dân dụng, thuỷ lợi, thuỷ điện, khai thác than trên địa bàn tỉnh.

Việc đầu tư xây dựng 4 dự án phát triển thuỷ điện nhỏ ở Hưng Khánh (Trấn Yên); Nậm Tăng, Nậm Tộc (Văn Chấn); Nà Hẩu (Văn Yên), với tổng công  suất 20,6 MW và thi công các công trình đường vành đai Văn Yên, khôi phục các điểm sạt lở quốc lộ 37, gói thầu công trình đường An Lương - Mỏ Vàng, khai thác mỏ than Qui Mông (Trấn Yên), với số vốn từ 5 đến 7 chục tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân là những điểm nhấn đáng kể trong qui mô phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng ở xã Qui Mông (Trấn Yên), công suất 5000m3/năm, chế biến 3 loại sản phẩm chính là ván ghép thanh, ván bóc và ván dăm.

Để mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Đoàn Kết, có vốn điều lệ khoảng hơn 10 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất kinh doanh cũng là xây dựng các công trình dân dụng, thuỷ điện, thuỷ lợi và khai thác mỏ. Đồng thời, xây dựng một nhà máy chế biến gỗ rừng trồng ở khu công nghiệp phía nam, với công suất 20.000m3 gỗ/năm. Theo dự án, nhà máy này sẽ thu mua nguyên liệu chế biến ở tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai và nguồn nguyên liệu sẵn có trong tỉnh. Việc đầu tư vào vùng nguyên liệu đã được Công ty đặt ra trong chiến lược phát triển bền vững của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sản lượng chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu và nâng tổng mức doanh thu lên cao hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Theo Phó giám đốc Phạm Đăng Khoa thì năm 2007, Công ty phấn đấu đạt mức doanh thu 65 tỷ đồng, nộp ngân sách 4 tỷ đồng. Đảm bảo việc làm ổn định và đóng BHXH cho 250 công nhân, với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Riêng sản lượng xây lắp sẽ đạt khoảng 30 - 35 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sẽ tồn tại và phát triển thế nào trong xu thế hội nhập? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Bùi Văn Dân cho biết: Công ty đang nỗ lực xây dựng thương hiệu Thanh Bình, quan tâm đến việc tiếp thị, quảng bá thương hiệu, tiến tới hình thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, đủ mạnh để tham gia vào thị trường chứng khoán. Thanh Bình đang nỗ lực để vươn lên tầm cao mới, đủ sức vươn xa ra các tỉnh bạn để có thể thi công tốt những công trình xây dựng cơ bản có giá trị kinh tế lớn hơn so với hiện nay. Thanh Bình đã sẵn sàng để hội nhập.

Nếu thành công, đây sẽ là tập đoàn kinh tế đầu tiên được thành lập ở Yên Bái. Đồng thời đây cũng sẽ là một trong những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tô thắm thêm bảng vàng thành tích thu nộp NSNN ở địa phương.

Linh Nhung

Các tin khác
Rừng bạch đàn ở Mù Cang Chải.

YBĐT - Thực hiện chỉ tiêu giao của tỉnh, năm nay, huyện Mù Cang Chải phấn đấu trồng mới 1.200 ha rừng, trong đó có 900 ha rừng phòng hộ và 300 ha rừng kinh tế.

YBĐT - Từ tháng 3/2005 đến tháng 12/2006, Viện nghiên cứu rau quả đã tiến hành nghiên cứu gieo trồng thử nghiệm một số giống hoa mới tại thành phố Yên Bái nhằm tìm ra những giống hoa có năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp với điều kiện sinh thái địa phương để phục vụ xây dựng trung tâm sản xuất hoa công nghệ cao và cung ứng cho sản xuất trong vùng.

Chăn 
nuôi bò 
ở xã
Tú Lệ (Văn Chấn). (Ảnh: Hoàng Nhâm)

YBĐT - Năm 2005, huyện Văn Chấn bắt đầu triển khai thực hiện chương trình cải tạo và phát triển đàn bò của huyện giai đoạn 2005- 2010 nhằm phát triển ngành chăn nuôi cân đối với trồng trọt, sử dụng hợp lý quỹ đất đai, lao động hiện có vào chăn nuôi; cải tiến phương pháp chăn nuôi truyền thống, phấn đấu đến năm 2010 cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm 30% tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp của huyện, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.

Gas được bày bán cùng các mặt hàng khác.

YBĐT - Những năm gần đây, gas hoá lỏng đã trở thành chất đốt thông thường và quen thuộc với các bếp ăn nhiều gia đình. Kéo theo đó là sự phát triển của hệ thống cửa hàng kinh doanh và các cơ sở chiết nạp gas. Tuy nhiên, đã xuất hiện và gia tăng những bất ổn từ những cửa hàng kinh doanh này…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục